Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Truyện tình mùi mẫn, truyện ma kinh rợn hay các thể loại khác. Xin mời vào.

Moderators: Mười Đậu, SongNam, A Mít

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

B

15 Ba chìm bảy nổi

Thành ngữ “ba chìm bảy nổi” dùng để ví cảnh ngộ của một người khi lên khi xuống, phiêu dạt, long đong vất vả nhiều phen: “Cái con người hai mươi chín tuổi mới nói chuyện vợ con đã ba chìm bảy nổi vì nghèo khổ” (Nguyễn Thế Phương, “Đi bước nữa”).
Sở dĩ có được nghĩa này là do chúng được cấu tạo bằng cách đan xen hai tổ hợp ba bảy và chìm nổi.
Chìm và nổi là hai động từ trái nghĩa nhau “chuyển từ mặt nước xuống dưới sâu” (chìm) và “chuyển từ dưới sâu lên trên mặt nước” (nổi). Từ chỗ biểu thị tính liên tục của hành động hết chìm lại nổi… tổ hợp dùng để chỉ sự gian truân, vất vả của một người nào đó, vừa qua khỏi điều không may này, lại gặp phải sự éo le trắc trở khác: Cuộc đời chìm nổi.
Ba và bảy là hai số đếm. Khi tham gia tổ hợp, chúng biểu tượng số lượng không phải là ba hay bảy cụ thể, mà là nhiều: Có ba bảy cách làm; Thương anh ba bảy đường thương. Khi dùng đan xen vào các tổ hợp khác, ba bảy thường được tách ra theo kiểu như ba lo bảy liệu (lo liệu nhiều), ba lần bảy lượt (nhiều lần), ba dây bảy mối (nhiều mối)…
Ba chìm bảy nổi còn có thể nói thành bảy nổi ba chìm hoặc là ba chìm bảy nổi chín (sáu) lênh đênh.
Last edited by bevanng on 10 Dec 2016, edited 1 time in total.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

16 Ba cọc ba đồng

Tiền trước đây được đúc bằng đồng, có hình tròn, mỏng. Trong việc buôn bán, người mua thường đặt tiền trước cho chủ hàng và số tiền đó được xếp thành từng cọc. Vì vậy, trong tiếng Việt mới có từ đặt cọc để chỉ việc gửi tiền trước làm tin. Thông thường số tiền trong mỗi cọc phải tương đối nhiều vì có nhiều thì mới chồng thành từng cọc được. Ba cọc tiền, tưởng là nhiều đây, nhưng thật trớ trêu thay, mỗi cọc chỉ có giá trị là một đồng. Ba cọc ba đồng là như vậy. Trong tiếng Việt thành ngữ ba cọc ba đồng trước hết được dùng để chỉ sự ít ỏi trong thu nhập hàng tháng của những người ăn lương.
“Chỉ có đám phu phen, thợ thuyền là méo mặt vì chạy gạo, và đám viên chức nhỏ sống bằng đồng lương ba cọc ba đồng cũng thắt lưng vào thêm một nấc và bóp mồm, bóp miệng vợ con thêm chặt nữa” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”).
Ba cọc mà mỗi cọc chỉ có một đồng và chỉ có vậy thôi! Điều đó cũng có nghĩa là không còn có thể thêm bớt vào đâu nữa. Thành ra, thu nhập ba cọc ba đồng không chỉ là ít ỏi mà còn là cố định, không có khoản phụ thêm nào nữa. Lương ba cọc ba đồng là đồng lương ít ỏi và chỉ vẻn vẹn có một khoản đó thôi.
“Em nghĩ đời nhân viên bây giờ lương ba cọc ba đồng mà lại rước cô vợ nữa thì thật ỏm tỏi ngay” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Làm ăn mà theo phương thức ba cọc ba đồng thì rõ là kém cỏi, tủn mủn, không biết nhìn xa trông rộng. Ý nghĩa này có liên quan chặt chẽ với cách đặt cọc ba cọc ba đồng. Đặt cọc trước mà chỉ đặt ở mức mỗi cọc mỗi đồng thì còn gì tầm nhìn xa, còn đâu là cách làm ăn thoáng, rộng mở. Đó là lối làm ăn theo kiểu “cò con”!
“Làm ăn bây giờ phải biết thả con săn sắt bắt con cá sộp. Nếu chỉ ba cọc ba đồng thì không làm thế nào mà vượt lên được đâu” (Nguyễn Thị Ngọc Tú, “Đất làng”).
Sự hà tiện khi đặt cọc ít ỏi ba cọc ba đồng xuất phát từ hành vi bủn xỉn trong cuộc sống, hẹp hòi. Và đây cũng là điều thành ngữ ba cọc ba đồng ám chỉ.
“Chống tư tưởng cầu an, không nghĩ cách phát triển kinh tế và kiếm lợi, chỉ bo bo, bủn xỉn, ba cọc ba đồng”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

17 Ba hồn bảy vía, Ba hồn chín vía

Ai đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hẳn không quên hình ảnh chị Dậu chạy ra ngõ hú gọi ba hồn bảy vía anh Dậu “về với vợ con” trong khi anh bị bọn cường hào đánh trói nằm bất tỉnh nhân sự trong nhà. Còn trong dân gian, theo mê tín, khi xem bói bài tây hoặc chữa bệnh bằng mẹo, người ta thường bắt buộc phải tráo quân bài hoặc làm một động tác quy ước nào đó bảy lần (với nam) và chín lần (với nữ). Ấy là do “đàn ông có bảy vía, đàn bà có chín vía”, theo quan niệm của dân gian.
Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giói này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía. Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ôm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tùy theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.
Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.
Nhưng nguyên do của ba hồn bảy vía và ba hồn chín vía là ở đâu? Tại sao đàn ông lại chỉ có “bảy vía” mà đàn bà lại “chín vía”?
Đó là những câu hỏi không dễ giải thích ngọn ngành, chỉ biết rằng từ xưa người Việt đã có quan niệm và xử sự như vậy.
Tìm về với tôn giáo, chúng ta thấy sáng rõ được nguồn gốc của quan niệm trên. Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ và phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ), phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi người ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền: thượng tiêu là miền trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quang). Song, chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng); còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửu khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn). Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.
Trở lại với thành ngữ trên, do có nguồn gốc tôn giáo như vậy, mỗi khi gặp một trường hợp “bất tỉnh nhân sự”, cần “cấp cứu” trong khi không có thầy thuốc, người Việt, theo thói quen mê tín, thường hú gọi hồn vía người ấy quay về, đừng bỏ phần xác mà ra đi theo ma quỷ! Đây là một hình ảnh bà lão hú gọi hồn đứa cháu đang chết ngất:
“Bà cuống lên, tất tưởi, vừa đi vừa réo: Ba hồn bảy vía thằng Mía ở đâu thì về” (Văn Nghệ, số 2-1960).
Trong sử dụng, ở một số hoàn cảnh, các thành ngữ trên chỉ có nghĩa là “hồn vía” nói chung, trong các lời chửi rủa:
“Ba hồn bảy vía đi đâu thì đi, ăn cướp đường xa, ăn quà chợ lạ, chứ ở đây người ta đi học thì có đếch gì mà rình với mò!” (Nguyễn Huy Tưởng, “Chuyện Anh Lục”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

18 Ba máu sáu con

Xem. (Nổi cơn tam bành).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

19 Ba que xỏ lá

Trong thời Pháp thuộc, có một bọn người chuyên tổ chức những “trò chơi có thưởng”. Trò chơi của bọn họ gồm một cái que và ba chiếc lá, mỗi lá có đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống. Người chơi cầm cái que nhỏ xỏ vào ba vồng này. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Người nào xỏ vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Ai xỏ trật, tức xỏ không vào lá nào hoặc chỉ vào một trong ba lá, sẽ mất toi số tiền đặt cược. Cũng liên quan tới trò này, có người kể lại cách thức chơi của bọn chủ trò có khác chút ít. Chúng thường dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem. Chúng tuyên bố rằng nếu ai rút trúng que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì người đó trúng thưởng. Ngược lại, người chơi sẽ mất số tiền đặt cược trước. Dù chơi theo cách thức nào đi nữa, thì bọn chủ trò vẫn có nhiều mưu mẹo, khiến cho người chơi bao giờ cũng thua cuộc. Vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn “ba que xỏ lá” với hàm ý là bọn bịp bợm, lừa đảo, dối trá. Từ cách thức chơi thứ nhất, nhiều người cho rằng hình thức ban đầu của thành ngữ “ba que xỏ lá” là “xỏ lá ba que”, sở dĩ có sự thay đổi này là do việc đọc chệch cho thuận miệng, dễ đọc, dễ nhớ.
Thành ngữ “ba que xỏ lá” dần dần được mở rộng phạm vi sử dụng. Nó được dùng để chỉ tất cả những hạng người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng.
“Những cái mặt nhẵn nhụi trơn tru nhưng toàn bụng ba que xỏ lá cả” (Nguyễn Công Hoan, “Truyện ngắn chọn lọc”).
Trong quá trình sử dụng, thành ngữ “ba que xỏ lá”, được tách thành hai vế “ba que”, “xỏ lá”. Các bộ phận được tách ra này đã gia nhập vào vốn từ vựng tiếng Việt, về ý nghĩa, các từ “ba que”, “xỏ lá” được dùng tương tự như thành ngữ “ba que xỏ lá”. So sánh:
- Bọn ba que
- Bọn xỏ lá
- Bọn ba que xỏ lá
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

20
Ba voi không được đọi (bát) nước xáo
Mười voi không được bát nước xáo


Chỉ cần một chú gà choai choai cũng có thể cho người ta bát nước xáo ngon lành. Ấy vậy mà trong dân gian lại nói ba voi không được đọi nước xáo thậm chí mười voi không dược bát nước xáo! Phải chăng đây là lối nói như thánh phán, nói như trạng, nói như ông Bành Tổ mà chẳng được việc gì, hoặc chỉ hứa hão rồi nuốt trôi lời hứa trong chốc lát. Một loại hứa suông, nói đãi bôi!
Ở thành ngữ này, các từ chỉ số lượng ba hay mười được dùng để chỉ số nhiều. Con voi là vật to nhất trong muông thú, là biểu trưng cho số lượng khổng lồ. Đã là voi lại không phải chỉ có một voi mà là ba voi, mười voi thế mà đến một bát nước xáo cũng chẳng nên! Rõ là phóng đại! Phóng đại để chỉ những người hay nói suông, hứa hão, hứa nhiều nhưng không làm một điều nào. Quả nhiên, có chuyện như thế thật. Và, việc lý giải thành ngữ ba voi không được đọi nước xáo tưởng như thế đã ổn. Song, câu chuyện không đon giản như vậy. Ở đây, lối ngoa dụ trong thành ngữ ba voi không được đọi nước xáo là hệ quả của sự liên tưởng ngôn ngữ học từ một điều có thực trong đời sống. Số là, nước xáo thịt voi vốn chẳng mỡ màng riêu cua gì, trong như nước lã, nhạt như nước ốc vậy! Do đó, dẫu có ba voi, mười voi, thậm chí nhiều hơn nữa mà đun nấu lên cũng chẳng thành nước xáo được, cho dù chỉ một bát thôi.
Với thành ngữ này, Dân gian ta phê phán những hạng người ba hoa mà chẳng nên công cán gì, hứa nhiều mà chẳng bao giờ thực hiện lời hứa của mình. Ý này có được là nhờ vào các quan hệ liên tưởng đối lập nhiều với ít (3, 10 so vói 1), nhạt nhẽo, vô vị với ngon ngọt đậm đà (nước voi với nước xáo). Đó là cốt lõi giúp chúng ta hiểu được tinh thần của câu thành ngữ “ba voi không được đọi nước xáo” hay “mười voi không được bát nước xáo” là ba hoa, nói suông, hứa hão, chẳng làm nên việc gì.
“Mười voi không được bát nước xáo, kẻ nói thánh, người nói tướng, chớ nghe miệng thế thêm rầy” (Phú Việt Nam cổ và kim).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

21 Bá Nha Chung Kỳ

Trong tiếng Việt, sự hiểu biết nhau, tâm đắc nhau, chia sẻ nỗi niềm trong tình cảm, quan niệm, trong nhận thức thế sự cuộc đời đều được so với tri âm của Bá Nha Chung Kỳ. Bá Nha là ai? Chung Kỳ là ai? Và, tại sao Bá Nha Chung Kỳ không còn là tên riêng của hai con người cụ thể nữa mà đã trở thành mẫu mực của sự đồng cảm tuyệt vời trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Bá Nha quê ở Sính Đô nước sở được bổ làm quan đại phu ở nước Tấn. Vâng lệnh triều đình, chàng đi sứ đến nước Sở. Ở đây mặc dù được quê hương đón tiếp nồng nhiệt, chàng cũng chỉ lưu lại một thời gian ngắn. Sau khi cáo lui vua sở, chàng quyết định dùng thuyền trở về nước Tấn. Thuyền đến sông Hán Dương, cảnh đẹp non nước đã lưu chàng lại. Tại nơi này, Bá Nha đã gặp Chung Tử Kỳ. Từ chỗ coi khinh chú tiều phu này, đến chỗ phục tài cầm kỳ và sự am hiểu âm nhạc của Tử Kỳ, hai người đã kết nghĩa huynh đệ. Vì chữ hiếu mà Tử Kỳ không thể cùng Bá Nha về chốn đô thành. Bá Nha đành chia tay bạn tri âm và hẹn tìm gặp lại bạn. Một năm sau trở lại chốn cũ, cảnh còn đây, non nước còn đây mà người đã ở đâu! Tử Kỳ đã chết, chỉ còn nấm mồ bên bờ sông. Trước mồ người đã khuất, Bá Nha gảy đàn và đọc một bài từ bi ai. Đọc xong, chàng lấy hết sức đập đàn vỡ tan tành.
“Bá Nha Chung Kỳ” đã đi vào lời ăn tiếng nói của Dân gian gần như một thành ngữ chân chính. Trước hết, nó phản ánh sự tri âm trong thưởng thức âm nhạc. Có người chơi đàn mà không có người biết thưởng thức như Chung Tử Kỳ thì khác nào “đàn gảy tai trâu”. Sau đó, ý nghĩa của “Bá Nha Chung Kỳ” được nới rộng ra để chỉ sự đồng điệu, sự đồng cảm của con người trong bất kỳ lãnh vực nào. Trong quá trình sử dụng nhiều khi “Bá Nha Chung Kỳ” có thể được rút gọn thành “Chung Kỳ”. Tuy vậy, sự rút gọn này vẫn cho phép ta liên hội tới cả khối “Bá Nha Chung Kỳ”:
“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”

(Nguyễn Du, ‘Truyện Kiều’).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

22 Bách niên giai lão

Bách niên là “trăm năm” (bách: một trăm, niên: năm), dùng để chỉ toàn bộ thời gian mà một người sống trên cõi đời này, nói chung. “Trăm năm trong cõi người ta” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Người xưa có câu “Bách tuế vị kì”, tức là, ngươi ta chỉ sống được đến trăm tuổi là cùng. Nhưng thực tế có mấy ai sống được đến trăm tuổi. Bảy mươi tuổi cũng đã là “xưa nay hiếm” rồi! Trăm trong trăm năm không phải là con số cụ thể: Trăm năm biểu trưng cho đời một con người, cho tuổi thọ của một người.
Giai lão có nghĩa là cùng nhau đến già (giai: cùng, lão: già).
Thành ngữ bách niên giai lão dùng trong lời chúc (cho các đôi vợ chồng lúc làm lễ kết hôn) được hạnh phúc lâu bền, chung sống cùng nhau đến trọn đời.
“Bữa cơm vậy mà ai cũng vui, ai cũng chúc cô dâu, chú rể bách niên giai lão” (Nguyễn Đình Thi, “Vỡ bờ”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

23 Bách phát bách trúng

Trên thao trường, hay ngoài mặt trận, những tay thiện xạ thường được ca ngợi là người có tài “bách phát bách trúng” hay “trăm phát trăm trúng”. Vì sao người ta lại ưa thích ca ngợi người bắn giỏi theo cách như vậy?
Chuyện kể lại rằng:
Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn tên lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia là Dưỡng Do Cơ.
Có một lần, trong lúc tập luyện, Phan Đáng bắn ba phát tên đều trúng vào hồng tâm, lấy làm đắc ý lắm. Lúc ấy, Dưỡng Do Cơ cũng ở đó, tỏ vẻ không thán phục, bảo rằng: “Bắn trúng hồng tâm có gì là đặc biệt. Cách xa một trăm bước, mũi tên của tôi có thể xuyên qua bất kỳ chiếc lá nào của cây dương liễu”. Nói rồi, Dưỡng Do Cơ giương cung: quả nhiên, mũi tên xuyên qua chiếc lá dương liễu trên cành cây um tùm.
Nhưng Phan Đáng vẫn không chịu, liền chọn lấy ba lá liễu ở ba chỗ khác nhau, đánh dấu và thách Dưỡng Do Cơ bắn trúng. Dưỡng Do Cơ chỉ nhìn qua, rồi lùi vào vị trí để bắn. Thế rồi, cả ba mũi tên như có mắt, lần lượt xuyên qua ba chiếc lá, trước sự kinh ngạc của mọi người.
Về sau, trong cuốn sử ký của nhà viết sử nổi tiếng Tư Mã Thiên, có đoạn viết: “Nước sở có một người tên là Dưỡng Do Cơ, là một người bắn tên rất kỳ tài, cách xa trăm bước mà “bách phát bách trúng”.
Dưỡng Do Cơ chỉ bắn cả thảy có bốn phát tên trong cuộc thi tài ấy, mà sao Tư Mã Thiên lại viết là: “Bách phát bách trúng”? Thì ra, “bách” (nghĩa là một trăm) không được dùng để chỉ số lượng cụ thể và xác định. Một nhà thiện xạ được ca ngợi là “bách phát bách trúng” không nhất thiết phải giương cung đến một trăm lần. “Bách” ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng là “nhiều, rất nhiều”, còn kết cấu “bách… bách…” biểu thị sự đối xứng tuyệt đối như là “bao nhiêu… thì… bấy nhiêu”.
Trong tiếng Việt, thành ngữ này có hai dạng đồng nghĩa được dùng song song: “bách phát bách trúng” và “trăm phát trăm trúng”. Ví dụ:
Tôi nghe thiên hạ đồn ông Lê có tài bắn bách phát bách trúng nên tôi có lòng hâm mộ từ lâu” (Đỗ Quang Tiến, “Vòm trời biên giới”).
“Đội trưởng dặn: - Anh là xạ thủ trăm phát trăm trúng thì phải sử dụng loại súng tầm xa”
Về sau, “bách phát bách trúng” còn để chỉ khả năng của những người làm việc gì cũng đạt kết quả như ý muốn. Cũng vậy, hiện nay, “trúng” đâu phải chỉ là trúng đích mà còn có nghĩa là đạt kết quả là thành công nữa.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 10 Dec 2016

24 Bãi bể nương dâu

Những thay đổi lớn trong cuộc đời, trong xã hội, thường được người Việt ví với bãi bể nương dâu. Thí dụ:
“Phút giây bãi bể nương dâu
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.”

(Lê Ngọc Hân, “Ai tư vãn”)
Các từ trong thành ngữ bãi bể nương dâu xem ra đều quen thuộc và dễ hiểu. Nhưng tại sao sự tổ hợp, giao kết giữa các từ bãi, bể, nương, dâu lại nói lên sự thay đổi lớn của trời đất, của cuộc đời? Số là, thành ngữ bãi bể nương dâu bắt nguồn từ thành ngữ gốc Hán thương hải tang điền liên quan tới câu chuyện Tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tương truyền rằng, ở thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma-Cô đến. Ma-Cô bảo với Phương Bình rằng: “Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến Đông hải tam vi tang điền”, nghĩa là “Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu”. Câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái tinh chất để phản ánh sự đổi thay của trời đất và cuộc sống. Trong thơ văn Trung Quốc, hình ảnh bãi bể, nương dâu trở thành tứ cho nhiều câu thơ, bài thơ nổi tiếng, ví như trong thơ Tô Thức đời Tống có câu “Bất kinh bột giải tang điền biến”, có nghĩa là: “Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu”. Cũng nhờ câu chuyện trên mà dần dà trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ thương hải tang điền. Thành ngữ này được mượn vào tiếng Việt theo lối dịch nghĩa, nghĩa là mượn ý dịch lời. Về ý nghĩa, bãi bể nương dâu thường nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi. Thí dụ:
“Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu”.

(Nguyễn Gia Thiều, “Cung oán ngâm khúc”).
Trong cách dùng, các nhà văn, nhà thơ thường rút gọn bãi bể nương dâu thành bể dâu hay dâu bể. Dạng thức này sở dĩ tồn tại được vì nó vẫn có khả năng khiến cho người đọc liên hội tới các điển tích đã nói đến ở trên:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

(Nguyễn Du, ‘Truyện Kiều’)
“Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình”

(Nguyễn Du, 'Truyện Kiều’)
Gần nghĩa với thành ngữ bãi bể nương dâu trong tiếng Việt còn có các thành ngữ vật đổi sao dời, sông cạn đá mòn. Các thành ngữ này đều nói về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, của sự thế, nhưng không có sắc thái ngậm ngùi, nuối tiếc như thành ngữ bãi bể nương dâu. Về phạm vi sử dụng, các thành ngữ vật đổi sao dời, sông cạn đá mòn thường chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, của trời đất trong sự so sánh với cái bất biến của tấm lòng chung thủy. Vì thế, ta thường gặp trong những lời thề ước:
“Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh”

(Nguyễn Du, “Truyện Kiều”)
“Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa”

(Tản Đà, “Thề non nước”)
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

25 Bán cá mũi thuyền

Mỗi lần thuyền đánh cá về bến, dân buôn cá đổ xô xuống để mua cá tươi. Cá cứ đong bằng rổ, xếp đầu mũi thuyền. Dân mua cá đứng trên bờ, mặc cả với chủ thuyền. Thỏa thuận được giá thì chuyển cá từ mũi thuyền lên bờ. Bên nhận cá, bên lấy tiền. Người đánh cá quay thuyền rời bến. Người mua cá gánh cá lên chợ. Mua cá ở thuyền rẻ hơn so với ở chợ.
Cùng một phần cá được chia, người khéo bán, hoặc cả gan giữ cá, chờ lên thuyền mới bán, có khi tiền thu được bằng cả hai phần được chia. Người non gan bán ngay trên thuyền, thu được ít hơn. “Bán cá mũi thuyền” là thành ngữ chỉ hành vi bán cái gì đó nóng vội, thiếu cân nhắc, rẻ, và đã trao tay là xong, dứt khoát, không trả lại.
Gần nghĩa với “bán cá mũi thuyền” là thành ngữ “đá qua be thuyền” tức là bán cá hoặc trao đổi hàng hóa qua be thuyền, để chỉ sự trao đổi vội vàng, chênh lệch giá trị hoặc tình trạng phủi tay cho xong việc.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

26 Bán trời không văn tự

Thành ngữ “bán trời không văn tự” là một thành ngữ có cấu trúc đơn giản, trong đó “bán” là động từ làm trung tâm, còn “trời” là danh từ chỉ đối tượng để bán, và “không văn tự” là bổ tố chỉ phương thức (cách bán). Ý nghĩa của thành ngữ này được hình thành trên sự giao kết và tính biểu trung của hai thành phần phụ chỉ đối tượng và cách thức tương ứng với những hướng khai thác khác nhau của dân gian.
Khi nói trời là nói tới cái gì to lớn, con người không thể nắm bắt được, lại càng không thể đem bán, đổi chác được. Việc bán trời là không có thực. Hon nữa, giả sử có chuyện “bán trời” thật, tức là bán một đối tượng to lớn, thì kẻ mua người bán phải có những thỏa thuận, cam kết cẩn thận bằng giấy tờ (văn tự). Đến cái nhà, cái cửa, khi mua bán còn phải có đủ văn khế, văn tự nữa là trời! Mua những đồ vật lớn, có giá trị cao thì tự người mua bắt người bán làm văn tự để đảm bảo về mặt pháp lý cho quyền sở hữu của mình sau khi mua. Bán trời không văn tự mà lại có người mua cũng là chuyện không có, chuyện khoác lác. Vậy là, cả đối tượng đem bán và cách thức bán đều là chuyện phi thực tế, chuyện ba hoa khoác lác. Đó cũng chính là ý nghĩa đầu tiên của thành ngữ bán trời không văn tự. Thí dụ:
“Tôi dệt cho nhà chị thì công tôi không lấy vặt mà thằng Tâm lại biết chữ. Vừa thợ cửi vừa ông Giáo - Nói bán trời không văn tự. Anh thì có mà dệt cơm” (Tô Hoài, “Mười năm”).
“Một số nhà văn ba hoa bán trời không văn tự nhưng thực chất là muốn ăn ngon, chơi sướng mà lại rất nhác lười” (Xuân Diệu, “Những bước đường tư tưởng của tôi”).
Theo hướng liên hội khác, trời được coi là đấng tối cao là đấng thiêng liêng, thế mà ai dám nói đem trời để đổi bán, thì quả là quá liều lĩnh và gàn dở. Lại nữa, giá có thể bán được trời, thì người bán phải tuân theo những thông lệ của xã hội, là phải có thỏa thuận, có cam kết chứ nhất định không thể làm bừa, không có giao kèo, văn tự. Cách thức này bị coi là bừa bãi, ngang tàng, bất chấp thông lệ. Do đó, hành vi bán trời không văn tự thể hiện tính ngang tàng, liều lĩnh, bất chấp, lề luật không cần đúng sai.
“Anh em là “ét” cả tuyến đường phải tôn Cảo làm bậc đàn anh. Cảo đã bán trời không văn tự, uống bia thì nốc một hơi cạn cả chai rồi quẳng luôn vỏ ra đường” (Nhiều tác giả, “Thời con gái”).
Với ý nghĩa này, thành ngữ bán trời không văn tự tỏ ra gần gũi với thành ngữ coi trời bằng vung. Thí dụ: “Chỗ nào không luật lệ thì chúng nó coi trời bằng vung biểu diễn đủ các kiểu”
Trong tiếng Việt, thành ngữ bán trời không văn tự còn có biến thể là bán trời không mời thiên lôi. Thí dụ:
“Một tên cao nghều nện cồm cộp giày xuống mặt đường hậm hực: - Bộ các người muốn bán trời không mời thiên lôi phải không?”
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

27 Bánh sáp (trao) đi bánh chì (trao) lại
Bánh ú (trao) đi bánh chì (trao) lại


“Bánh sáp (trao) đi, bánh chì (trao) lại” là câu tục ngữ dùng để ví sự trao đổi bình đẳng, có đi có lại. Trong Đại nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của giải thích bánh sáp là sáp ong đổ khuôn giống như miếng bánh, còn bánh chì là tấm chì được đổ giống hình cái bánh. Câu tục ngữ này phát sinh từ việc đồng bào các dân tộc thiểu số thường đem bánh sáp đổi lấy bánh chì (hoặc đồng, thiếc, thau) của đồng bào dân tộc Kinh.
Trong tiếng Việt hiện nay, cũng dùng với nghĩa như tục ngữ “bánh sáp (trao) đi, bánh chì (trao) lại”, ta còn thấy có hai biến thể nữa là “bánh ú (trao) đi, bánh chì (trao) lại” và “bánh sáp đi, bánh quy lại”. Bánh ú là loại bánh nếp gói lá có hình lưng gù. Bánh quy được Huỳnh Tịnh Của giải thích là bánh hình con rùa (quy tiếng Hán, nghĩa là rùa). Ngày nay ta hiểu bánh quy tương đương như biscuit (tiếng Pháp).
Song, dù là bánh gì đi nữa, thì tất cả các biến thể nói trên của câu tục ngữ đều dùng để ví sự trao đổi bình đẳng, có đi có lại: “Phó Man cũng nhảy lên như choi choi: - Bánh ú trao đi, bánh chì trao lại đề nghị cử đại biểu sang đi ạ, ta đừng viết thư nữa”. (Trúc Hà, “Chuyện một người cha”).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

28 Bạt sơn cử đỉnh

Bạt: nhổ, sơn: núi, cử: nhấc, cất, đỉnh: vạc có ba chân hai quai, ngày xưa dùng để nấu.
Theo sử kí, Vũ Vương có sức khỏe, thích cùng các lực sĩ thi tài. Một hôm Vũ Vương cùng Mạnh Duyệt thi nhấc vạc (cử đỉnh).
“Thiên uy biến sắc non sông
Dầu tài cất vạc xin không kể gì”

(Lưu nữ tướng)
Thành ngữ bạt sơn cử đỉnh (nhổ núi, nhấc vạc) dùng để nói về người có sức khỏe phi thường:
“Hàn Tín ngày xưa trói gà không nổi mà đánh được Hạng Vũ có sức bạt sơn cử đỉnh'' (Văn 7 - tập I, 1987).
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

Re: Kể Chuyện Thành Ngữ Tục Ngữ (Nhiều Tác Giả)

Postby bevanng » 11 Dec 2016

29 Bắt cá hai tay

Hễ một người nào đó vì lòng ham muốn có được nhiều thứ trong cùng một lúc, hoặc để ăn chắc, không được thứ này thì được thứ khác, mà vừa làm điều này ở đây rồi, lại làm điều đó ở nơi khác nữa, trong khi, theo lẽ thường anh ta chỉ được làm ở một nơi, thì sẽ bị mọi người gọi một cách mỉa mai là kẻ “bắt cá hai tay”.
“Bắt cá hai tay” tức là không dùng cả hai tay để bắt một con cá, như kiểu: “cầm hai tay”, “đưa hai tay”, “bưng hai tay”… mà là: mỗi tay bắt một con cá, và kết quả là tuột mất, chẳng bắt được con nào. Chẳng thế mà ca dao Việt Nam đã từng khuyên nhủ mọi người:
Xin đừng bắt cá hai tay
Cá lội dưới nước, chim bay trên tròi

Từ nghĩa đen cụ thể đó, Dân gian ta đã dùng thành ngữ này với nghĩa rộng hơn để chỉ những người có tư tưởng “nước đôi”, hoặc tham lam, ôm đồm, muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả là không được việc gì cả, “xôi hỏng bỏng không” hoặc nếu có được thì không việc gì ra việc gì.
bevanng
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $39,330
Posts: 14096
Joined: 22 Mar 2009
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng bevanng từ: Que Huong

PreviousNext

Return to Truyện Ðọc



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 38 guests