Nghệ Sĩ Bảy Nam

Điển tích văn học và lời hay ý đẹp

Moderators: littlehoney999, A Mít

Nghệ Sĩ Bảy Nam

Postby giamchua » 27 Aug 2006

Gửi đến các bạn hai bài viết nói về nghệ sĩ Bảy Nam

Nghệ Sĩ Bảy NamImage


Nghệ sĩ Bảy Nam sinh ra ở cái nôi của sân khấu miền Nam là Mỹ Tho. Bà đi hát từ năm 14 tuổi, nhưng trước tiên bà sống nơi các gánh hát giống như những phụ nữ bình thường trong gia đình - bình thường ở ý nghĩa thiêng liêng nhất - các gánh hát nghệ sĩ Bảy Nam có mặt thường là gánh nhà.

Ở đó bà có cả gia đình. Ở đó bà có chồng. Chồng bà là bầu gánh Phước Cương. Rồi sinh con. Nuôi con nhỏ, con bệnh? Nuôi như bao nhiêu bà mẹ khác. Nhưng cái khác ở bà là bà nuôi con trong điều kiện gánh hát rày đây mai đó. Gánh hát đi về thôn ấp xa xôi. Có người kể lại việc đó là do chồng bà quyết định. Ông có quyết định như vậy sau nhiều lần phiền muộn, gãy đổ. Việc gãy đổ ấy theo cách lý giải của ông là do những phụ nữ gắn bó luyến ái với ông, sau khi nổi tiếng thường bỏ ông ra đi. Vậy nên đến nghệ sĩ Bảy Nam, ông đã giữ bà bằng cách đưa gánh hát đi xa nơi dập dìu những tài tử giai nhân.

Chuyện ấy là tin đồn. Ðúng sai không rõ. Chỉ chắc, chỉ rõ một điều: ở gánh hát mà nghệ sĩ Bảy Nam có cả gia đình, bà sống bằng nhiều vai trò. Khi cần diễn viên phụ, bà đóng vai phụ, khi gánh hát nhỏ đi xa, ít người giao tuồng thì bà viết tuồng? và khi các gánh hát nhỏ không đủ làm đà cho danh phận các ngôi sao, họ ra đi thì bà bước vào ngôi đào chính.

Sự thay thế của bà có thể là vị trí của một nghệ sĩ. Nhưng cũng có khi chỉ là một vai trò phụ trong gánh hát. Ðể làm gì ư? Trước nhất: không phải vì kế sinh nhai. Ngược lại gia thế thì rõ: bà sinh ra trong một gia đình nhà giáo khá nổi tiếng ở Mỹ Tho. Một gia đình mà ngay trong cái cách đặt tên con đã tỏ ra có vị trí, sự học vấn trung lưu. Thử nhắc một chút tên các anh chị em của nghệ sĩ Bảy Nam - tên 12 người được đặt thế này: Công - Thành - Danh - Toại - Phỉ - Chí - Nam - Nhi - Bia - Truyền - Tạc - Ðể.

Như thế tuyệt đối không có chuyện đi hát để sống ở ý nghĩa vật chất. Cho nên không có chuyện gánh hát đông khán giả thì ở, vắng thì đi. Gánh hát đối với nghệ sĩ Bảy Nam chỉ có để ở lại chứ không có chuyện ra đi.

Và khi đã ở với mọi điều kiện thì chấp nhận và thích nghi. Chữ "trôi" ở tựa hồi ký "Trôi theo dòng đời" của bà là ý này đây. Là hàm ý nói thích nghi để còn, để có, để tồn tại. Thích nghi với không gian và có mặt theo diễn biến của lịch sử. Sự thích nghi nương tựa như vậy thường chỉ có ở người vợ trong gia đình.

Chuyện được nói đến với những người làm bộ phim "Trôi theo dòng đời" từ 1996 ở sân báo Lao Ðộng tại Sài Gòn tám năm trước rồi. Nhưng hôm nghe tin nghệ sĩ mất bỗng nhớ ngay. Bởi vì như nhà báo Trần Trọng Thức nói: cái đẹp nhất ở bà trước nhất là sự dịu dàng nữ tính.

Vai diễn đời người

Trong gia đình có nhiều người làm nghề hát. Trong đó có đến ba nghệ sĩ mà từ năm bảy chục năm trước đã nổi tiếng, được khán giả biết đến. Và điều đó tới nay vẫn chưa thay đổi. Ba người được nhắc đến là nghệ sĩ Năm Phỉ (một tài hoa bạc mệnh - tên tuổi bừng sáng khi bà vừa bước lên sân khấu. Một tên tuổi tài hoa và đào hoa. Bà nổi tiếng ở Việt Nam đã đành. Bà còn được báo chí Pháp hết lời ca ngợi khi bà có dịp đến biểu diễn ở xứ sở họ. Nhưng nghệ sĩ Năm Phỉ không có con nối nghiệp); người thứ hai là nghệ sĩ Bảy Nam - hai người là chị em ruột nhưng gần như là hai đối cực. Nghệ sĩ Năm Phỉ xuất hiện là kéo theo sự ngưỡng mộ vì sự lộng lẫy, cao sang và theo đó là tính cách, tình cảm... thì cái mà bà tiếp nhận và bà vứt bỏ đôi khi chỉ là khoảnh khắc. Ðiều đó cũng giống như cái cách bà có mặt trên đời, bà có mặt rồi ra đi, bỏ mặc bao nuối tiếc. Nghệ sĩ Bảy Nam thì khác: bà đến với sân khấu từ phía lặng lẽ. Nên cái bà có là do công bà góp nhặt. Và cái gì góp nhặt được thì bà nâng niu, trân trọng. Dù có thể đó là một vai diễn nhỏ, một vai diễn tình cờ, một vai trò tác giả bất đắc dĩ, tình cờ. Và điều đó làm bà khác với c hị mình - nghệ sĩ Năm Phỉ, và cũng rất khác với con gái mình - nghệ sĩ Kim Cương.

Ðiều lạ là cá tính, tài năng, là nét đào hoa của nghệ sĩ Kim Cương. Người ta bảo nghệ sĩ Năm Phỉ có gì là truyền hết cho chị cái ấy trong khi chị không có bất kỳ cái gì của mẹ. Và như thế, chị và nghệ sĩ Năm Phỉ ở tiêu điểm của sự chinh phục, mạnh mẽ. Còn nghệ sĩ Bảy Nam thì ở vị trí bình lặng. Không biết có phải do điều này mà sau rất nhiều năm miền Nam giải phóng, mà nhiều vị trong hội đồng xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ ở cấp quốc gia vẫn không biết rõ tầm vóc của bà. Việc xét danh hiệu vì vậy có sự chậm trễ. Nhưng đúng như đã nói: bà sinh ra là để góp, để nâng niu hết thảy cái gì mình có, cho nên càng nhiều tuổi thì nghệ thuật diễn xuất nơi bà càng tinh anh.

Thì chỉ cần xét vai mẹ của Diệu trong Lá sầu riêng đã đủ thấy. Bà có chiều dài 50 năm cho vai diễn này. Số khán giả coi đi coi lại vài ba chục lần đâu phải là ít. Nhưng cứ coi lại là lại thêm được một lần yêu quý bà hơn. Là vì lúc nào bà cũng nâng niu nhân vật. Năm mươi năm một vai diễn - thuộc rồi - cũ rồi - bà thuộc - khán giả thuộc - mà ở bà sự trân trọng nâng niu vẫn thế và chỉ có hơn thế, nhất là khi bà mẹ của Diệu đối diện với sự miệt thị của sui gia vì không môn đăng hộ đối. Bà Bảy Nam diễn nỗi buồn không phải cho sự miệt thị khinh khi đối với mình mà diễn nỗi xót xa cho con mình. Nghệ sĩ Bảy Nam không diễn sự căm giận đối với sự khinh miệt của người giàu mà diễn nỗi tủi phận của một người mẹ không che chở được cho con.

Và cứ thế, một năm rồi 50 năm bà và nghệ sĩ Kim Cương giữ sức sống cho vở diễn - cho tình mẫu tử - cho phận đàn bà và của Lá sầu riêng. Rồi không rõ tự lúc nào nhìn vào chị, vào nghệ sĩ Bảy Nam, vào Lá sầu riêng ai nấy chắc chắn có một dòng kịch riêng ở phương nam - Sài Gòn.

Ðạo hát

Dòng kịch ấy có lúc bị viện cớ là sướt mướt, ủy mị, đời thường để người gia giảm sự ảnh hưởng của nó trong đời sống. Không có ý giữ gìn, phát triển. Khán giả trung thành với loại vở Lá sầu riêng thấy thiếu vắng dòng kịch này cũng bỏ thói quen đến sân khấu. Song lòng thủy chung của khán giả thì ít ai lường hết được. Có thể kiểm nghiệm điều này khi nghệ sĩ Bảy Nam bước vào tuổi 80. Lúc đó nghệ sĩ Bảy Nam vừa qua mấy năm trị bệnh, bà muốn bước lên sân khấu, nghệ sĩ Kim Cương cân nhắc hoài, cuối cùng chị làm lại Bông hồng cài áo - với chị đấy là bông hồng chị tặng mẹ - chị đưa mẹ trở lại sàn diễn. Ðêm nghệ sĩ Bảy Nam trở lại diễn ở Nhà hát Thành phố năm đó kéo theo sự lo lắng của quá nhiều người. Ai nấy cứ lo cho sức khoẻ của bà mỗi khi bà diễn quá xúc động. Ai nấy lo cho bà khi bà dồn hết nỗi khát khao cho nhân vật sau nhiều năm không được diễn. Hồi ấy cũng không ít người trách chị Kim Cương. Họ sợ nhỡ có bề nào thì? Vậy mà chị đúng. Chị để nghệ sĩ Bảy Nam bước lên sân khấu, bà có thêm sức khoẻ. Từ ngày Bông hồng cài áo mừng thọ nghệ sĩ 80 tuổi đến nay, hơn chục năm rồi. Nghề hát đối với nghệ sĩ Bảy Nam, vì vậy vượt ra ngoài ý nghĩa mưu sinh. Bà sùng bái nghề nghiệp của mình. Bà đã chọn là đi đến hết đời với nghề. Có lẽ vì vậy mà càng nhiều tuổi bà diễn càng hay. Và vì vậy dù bà không có nhiều vai, không nhiều loại vai thì bà vẫn được ngưỡng mộ - bà vẫn ngự trị ở nơi dành cho những tên tuổi lớn của sân khấu miền Nam.

Như vậy nghề hát đối với nghệ sĩ Bảy Nam như một thứ tôn giáo là do cái cách bà tôn vinh, bà dốc sức cho nó đến hết đời. Không phải chỉ vì điều bà có thể nói ra. Bà nói là cốt ý để dặn dò - cái bà sống mới là điều khiến ta yêu kính bà. Yêu kính bà rất lâu.

Huỳnh Thanh Diệu

Nguồn :SGTT

_____________________________________________________________

Nghệ sĩ Bảy Nam tên thật là Lê Thị Nam sinh năm 1913 tại Mỹ Tho, Tiền Giang trong một gia đình có 12 người con, mà phân nửa theo nghề hát cải Lương, nổi bật nhất là bà Bảy Nam và chị là bà Năm Phỉ.

Ngay từ năm 14 tuổi, nghệ sĩ Bảy Nam đã được nghệ sĩ Năm Phỉ - đào chánh của gánh Phước Cương - hướng dẫn nghề hát và nhanh chóng nổi tiếng qua các vai diễn.

Soạn giả cổ nhạc lão thành và hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Phương, cho biết:

“Bất cứ là nhận lời hát vai tuồng nào, bà Bảy Nam cũng học tuồng thiệt thuộc, chăm sóc phần hoá trang, đạo cụ và tập nhiều lần với bạn đồng diễn để buổi hát đạt được kết quả cao nhất. Thái độ nghiêm túc trong nghề nghiệp của bà khiến cho các bạn trẻ diễn chung trên sân khấu không dám lơ là, không dám cương ẩu.”


Gánh đại ban Nam Hưng

Lúc 19 tuổi, cô Bảy Nam, nhờ nguồn tài chánh của ông chồng đầu tiên giàu có tên Sáu Ngọ, đã thành lập, điều khiển và kiêm cả vai trò đạo diễn cho gánh đại ban Nam Hưng vốn quy tụ được nhiều nghệ sĩ hàng đầu lúc bấy giờ.

Không chỉ làm bầu gánh, nghệ sĩ Bảy Nam hàng đêm còn đóng vai chánh cho những tuồng hát của gánh này nữa. Mặc dù trong nhiều năm nghệ sĩ Bảy Nam nổi tiếng và được nhiều mến mộ qua nhiều vai diễn, kể cả vai Điêu Thuyền trong các tuồng Điêu Thuyền Hí Lữ Bố, Điêu Thuyền Bái Nguyệt…, bà đặc biệt còn thành công trong các vai nam oai phong lẫm liệt như Quan Công, Lữ Bố, hay các vai ông lão như Vương Tư Đồ, Lý Nhu.

Không dừng lại ở tài nghệ diễn xuất và khả năng quán xuyến một gánh hát đại ban, nghệ sĩ Bảy Nam còn là nữ soạn giả cải lương đầu tiên của Việt Nam, từng biên soạn những vở ăn khách như Gươm Vàng Máu Đỏ, Lê Lợi Khởi Nghĩa, Nỗi Đau Lòng Mẹ, Người Đàn Bà Việt Nam, Tiêu Anh Phụng Loạn Trào…

Nhưng gánh Nam Hưng phải giải tán vào năm 1935 mà theo tài liệu của soạn giả Nguyễn Phương là vì Cô Bảy Nam ôm đồm quá nhiều việc, nên khó tránh những sơ suất, thất thoát. Và gánh này được được sát nhập với gánh Phước Cương của người chị là Cô Năm Phỉ để trở thành gánh Đại Phước Cương.

Năm 1937, Cô Năm Phỉ ra đi và thành lập đoàn cải lương Năm Phỉ, sau khi chồng của cô – ông Nguyễn Ngọc Cương – chính thức lấy người em gái là Cô Bảy Nam làm vợ. Nghệ sĩ Kim Cương là một trong 3 người con của hai ông bà.

Khoảng cuối thập niên 1940, gánh Đại Phước Cương sa sút vào khi ông Nguyễn Ngọc Cương lâm trọng bệnh và qua đời khi gánh này đang trên đường lưu diễn ở Miền Trung. Chồng bà mất trên đường lưu diễn, tứ cố vô thân vào lúc gánh hát sa sút, bà không có tiền an táng người thân, phải nhờ sự giúp đỡ của các vị Mạnh Thường Quân ái mộ cải lương ở địa phương.

Khoảng 6 năm sau khi người chồng thứ nhì – ông Nguyễn Ngọc Cương qua đời, soạn giả Duy Lân của đoàn hát Nam Phong, nơi bà Bảy Nam là một trong những nghệ sĩ nồng cốt, đã gá nghĩa vợ chồng với bà. Bầu gánh Nam Phong là cô chín Bia, em ruột bà Bảy Nam, và đào chánh của gánh lúc bấy giờ là nghệ sĩ Kim Cương.


Trong lãnh vực kịch nghệ, điện ảnh

Nghệ sĩ Bảy Nam không những nổi tiếng trong lãnh vực cải lương, mà còn được nhiều mến mộ trong lãnh vực kịch nghệ, điện ảnh. Theo soạn giả Nguyễn Phương thì bà là nữ nghệ sĩ đầu tiên ở Saigòn được công ty điện ảnh Intermondial mời đóng với các diễn viên như Daniel Gélin, Anne Méchard trong phim Mort en Fraude của đạo diễn Marcel Camus.

Và bà từng tham gia trong các bộ phim Việt Nam như Hoa Lục Bình, Ngọn Cỏ Gió Đùa, Về Nguồn, Một Thoáng Đam Mê…

Có lẽ khó có ai thay thế nghệ sĩ Bảy Nam qua các vai diễn xuất sắc của bà trong những vở kịch như Bông Hồng Cài Áo, Vực Thẳm Chiều Cao… Và nhất là, khán giả khó mà cầm được nước mắt khi xem vở Lá Sầu Riêng, với hình ảnh Bà Bảy Nam qua vai người mẹ quê, nghèo khổ trong chiếc áo dài sờn vai, lắm chỗ vá, đầu đội chiếc nón lá bung vành, tai mang cái giỏ đệm xác xơ, đã phải nén đau thương, uất nghẹn, lê những bước chân ngập ngừng tới nhà xui gia bất đắc dĩ vốn là cường hào ác bá để thăm người con gái là cô Diệu - do Kim Cương thủ diễn – cùng đứa cháu ngoại tên Sang.

Trong những năm còn lại của cuộc đời, khi không còn tới sân khấu nữa, bà Bảy Nam cho treo trong phòng riêng những áo, mũ hát tuồng của bà để kỷ niệm và bày tỏ trân quý đối với sân khấu.Nghệ sĩ tài danh Bảy Nam mất đi, để lại cho đời 20 tuồng, kịch và một cuốn hồi ký về cuộc đời sân khấu của bà.

(sưu tầm)
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng giamchua từ: NgÆ°Æ¡i vien xu

Postby Ngươi vien xu » 28 Aug 2006

Cảm ơn Giấm post bài - NVX hồi nhỏ may mắm được coi Cô Bảy Nam đóng kịch mấy lần- NVX còn nhớ đó là vở Lá Sầu riêng -1968 - lúc đó gia đình NVX có cái tivi 16 inches chạy bằng đèn điện tử to kềnh- cả xóm đến coi- đến đoạn cảm động do Kim Cương đóng phải rời bỏ con ra đi- mấy chục con người im như tờ- NVX lén...dòm, thấy ai mắt cũng đỏ hoe
......
Em cứ đến cứ đi và cứ khóc
Ta đã đi rồi ta lại sẽ về

User avatar
Ngươi vien xu
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $59,160
Posts: 1548
Joined: 28 Feb 2006
Location: USA
 
 


Return to Hoa Thơm Cỏ Lạ



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 7 guests