Huyền Thoại Nhẫn Cưới Srí

Điển tích văn học và lời hay ý đẹp

Moderators: littlehoney999, A Mít

Huyền Thoại Nhẫn Cưới Srí

Postby Minh Chau » 06 Apr 2006

Huyền thoại nhẫn cưới Srí


Srí tiếng Chu Ru có nghĩa là chiếc nhẫn. Đối với người Chu Ru, chiếc nhẫn bạc không chỉ là đồ trang sức, là của hồi môn mà còn là "tín vật" không thể thiếu trong hôn ước. Khi đôi trai gái đã trao nhẫn đính ước cho nhau thì không bao giờ nghĩ đến việc ly hôn. Chính nhờ sự huyền diệu này, chiếc nhẫn mắt sâu (Srí Mơta Hơlă) của người Chu Ru đã được dùng làm quà cưới cho 114 đôi uyên ương trong đám cưới tập thể tại Festival hoa Đà Lạt 2005.

Người giữ lửa
Nghề làm nhẫn bạc của người Chu Ru rất tỉ mẩn. Điều đặc biệt, nếu người thợ kim hoàn trong quá trình tạo ra sản phẩm trang sức thường dùng các loại dụng cụ để đập, gõ, cán, kéo, khò lửa, tiện, múc... thì ngược lại, người Chu Ru chỉ sử dụng duy nhất một thanh sắt nhỏ thật bén để làm dao, còn toàn bộ đồ nghề được làm bằng gỗ cây rừng.

Người làm nhẫn phải trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn như: lấy sáp ong, tạo khuôn, nấu bạc, đánh bóng nhẫn... Nghệ nhân Ya Tuất, người duy nhất làm nhẫn bạc ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bộc bạch: "Trong các khâu làm nhẫn, khó nhất vẫn là tạo khuôn...".

Nguyên liệu chính để tạo khuôn là sáp ong. Tùy theo kích cỡ ngón tay người đặt nhẫn mà người nghệ nhân cắt thành những khoen tròn lớn nhỏ để tạo khuôn. Kế tiếp, lấy sáp xe thành những sợi chỉ nhỏ, bện theo hình chân rết để tạo hoa văn cho 2 mép nhẫn (3 sợi làm thành một hoa văn); 12 vòng tròn trang trí trên mặt nhẫn (người Chu Ru gọi là "nhận trống") cũng được làm bằng sáp.

Lấy lá dứa cuốn thành phễu bao lấy nhẫn và mang nhúng đều vào dung dịch phân trâu hòa lẫn với đất, sau đó phơi nắng từ 1,5 - 2 ngày cho khô hoàn toàn. Tiếp tục đem đốt trên thang lửa, sáp bên trong sẽ nóng chảy, phần dung dịch phân trâu còn lại tạo thành một khuôn âm bản (khuôn bao giờ cũng là 2 chiếc nhẫn, chiếc nhỏ dành cho nữ gọi là nhẫn mái, chiếc lớn dành cho nam là nhẫn trống). Lúc này người nghệ nhân lấy bạc nấu chảy đổ vào khuôn sẽ cho ra đôi nhẫn bạc có màu xỉn đen. Dùng nước bồ kết rừng đun sôi để đánh bóng trong vài phút sẽ cho ra cặp nhẫn hoàn chỉnh và có màu sáng lấp lánh.

Tộc người Chu Ru ở Lâm Đồng (chủ yếu ở Đơn Dương) có đến 15.000 người nhưng chỉ một người còn bảo lưu được nghề làm nhẫn. Anh Ya Toa, cán bộ địa chính xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, khẳng định: "Hiện nay, chỉ một mình Ya Tuất còn bảo lưu được nghề làm nhẫn bạc của người Chu Ru".

Ya Tuất không những làm được 12 loại nhẫn khác nhau như nhẫn có mặt đính hạt Ka Réh có màu đỏ như hồng ngọc lấy từ cây rừng (tiếng Chu Ru gọi là Srí Lơ Hây), nhẫn vòng thường (Srí Căr), nhẫn mắt sâu (Srí Mơta Hơlă)... mà còn làm được cả vòng bạc, bông tai bạc. Tuy không sánh bằng những sản phẩm kim hoàn của người Kinh nhưng những chiếc nhẫn của Ya Tuất làm ra có độ sắc sảo khá cao, đồng thời mang những dấu ấn văn hóa riêng của người Chu Ru.

Để đạt được độ sắc sảo của chiếc nhẫn như hiện nay, Ya Tuất phải trải qua hơn 15 năm học nghề. Ma Wêl, vợ của Ya Tuất, kể: "Nó (Ya Tuất) học được cái nghề này là do mẹ nó bắt nó học. Khó lắm, nhiều người cùng học nhưng chỉ mình nó được ông cậu (nghệ nhân Ya Grang) truyền nghề".

Gần 20 năm nay, bếp lửa của nghệ nhân Ya Tuất bao giờ cũng đỏ. Ya Tuất cũng không nhớ rõ mình đã làm được bao nhiêu đôi nhẫn, đã giúp cho bao nhiêu trai gái trong làng nên vợ nên chồng. Chỉ biết rằng, nhiều người ở Próh, Cam Butta, K' Đơn, M' Krăng Gõ... (Đơn Dương); Tà Năng (Đức Trọng); Xã Lác (Lạc Dương), cả người Chăm ở Ninh Thuận, người Kinh ở Đồng Nai, Vũng Tàu cũng đến đặt anh làm nhẫn.
Sự huyền diệu của Srí
Trong quá trình chế tác nhẫn - cùng với những bí quyết, người Chu Ru còn tin vào các yếu tố tâm linh. Nghệ nhân Ya Tuất bật mí: Chất liệu để tạo khuôn âm bản là dung dịch phân trâu (con vật linh thiêng theo quan niệm của người Chu Ru) nhưng phải là phân trâu đực 3 tuổi, trộn với đất lấy tại một nơi bí mật trong rừng (chỉ người làm nhẫn mới biết), sẽ cho ra một chất không bị phân hủy trong nhiệt độ làm nóng chảy bạc.

Đây là điều rất lạ, có lẽ phải nhờ đến các nhà khoa học nghiên cứu và giải thích. Than củi dùng nấu bạc phải lấy từ cây Ka Siu (tiếng Chu Ru chỉ một loại cây rừng), các loại củi khác sẽ làm nhẫn bị nứt, gãy. Trước khi đúc nhẫn, đêm đó nghệ nhân phải tắm sạch và cách ly với vợ - phụ nữ không được tham gia đúc nhẫn. Khoảng 4 giờ sáng, người nghệ nhân bắt đầu thức dậy nấu bạc, đúc nhẫn... và công việc này chỉ được kéo dài cho tới 8 giờ sáng cùng ngày.

Có như vậy mới cho ra những cặp nhẫn hoàn hảo. Nếu không tuân thủ các quy định trên, nhẫn sẽ bị gãy, nứt hoàn toàn, đây quả là điều rất khó giải thích, góp phần tạo nên sự huyền diệu cho chiếc nhẫn. Chính sự huyền diệu này đã làm cho những đôi trai gái tin tưởng và gắn kết bền chặt hơn trong cuộc sống hôn nhân gia đình.

Không những vậy, người Chu Ru còn có những tập tục riêng. Cũng giống như bao dân tộc ít người ở Tây nguyên, người Chu Ru sống theo chế độ mẫu hệ. Đến tuổi trưởng thành, người con gái chủ động đi bắt chồng. Khi thích một chàng trai giỏi giang nào đó, cô gái về báo cho gia đình và dòng họ biết, gia đình sẽ đến nhà trai để dạm hỏi và chấp nhận sự thách cưới của nhà trai.

Nếu cả 2 dòng họ đồng ý cuộc hôn nhân, cô gái sẽ đến đeo nhẫn cho người con trai (nhẫn do người con gái đặt làm và chiếc nhẫn quý nhất, giá trị nhất là chiếc nhẫn mắt sâu có đính hạt cây rừng). Trường hợp người con trai không thích, ngày hôm sau có thể tháo nhẫn để trả lại cho gia đình cô gái... Nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại tiếp tục đến đeo nhẫn cho người con trai và lặp đi lặp lại cho đến khi nào người con trai chấp nhận thì đám cưới diễn ra.

Ngày cưới, chàng trai và cô gái lại làm thủ tục đổi và đeo nhẫn cho nhau. Sau đám cưới 7 ngày, cô dâu cởi nhẫn trao cho mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn của người chồng do mẹ vợ cất. Nếu cuộc sống vợ chồng không hợp, ai đề nghị ly hôn trước, người đó phải đền 1 con trâu (phải là con trâu đực 3 tuổi trở lên).

Trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình thì người đó phải đền 3 con trâu, con cái càng đông số trâu sẽ tăng theo cấp số nhân; nhà nghèo thì ít nhất cũng phải đền 1 con heo. Ngày nay, tuy người Chu Ru vẫn sống và làm việc tuân theo luật pháp nhưng bên cạnh đó còn bảo lưu những tập tục rất riêng của mình. Điều này đã làm nên một nét văn hóa độc đáo của người Chu Ru.
Image
User avatar
Minh Chau
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $122,698
Posts: 9857
Joined: 28 Sep 2005
Location: Việt Mỹ
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Minh Chau từ: christiane, tinh_tam

Return to Hoa Thơm Cỏ Lạ



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 39 guests