Boba Và Nước Mía

Điển tích văn học và lời hay ý đẹp

Moderators: littlehoney999, A Mít

Boba Và Nước Mía

Postby Christiane » 10 Jul 2007

Nếu tôi đứng trước mặt bạn, và tôi đang giấu sau lưng một ly nước mía và một ly boba, bạn mong mình sẽ chọn trúng ly nào?


[center]ImageImage[/center]



Dĩ nhiên, câu trả lời sẽ khác nhau, và cũng sẽ rất đa dạng. Một cuộc phỏng vấn nhanh mười bạn trẻ tại tiệc sinh nhật tư gia tháng này cho thấy: 3 bạn sẽ chọn Boba 24/7, 3 bạn sẽ chọn nước mía 24/7, 2 bạn sẽ chọn một trong hai bất cứ lúc nào, còn 2 bạn thì "sao cũng được."

Bạn bè tôi không chỉ tạt vào quán Boba vài lần một tuần. Có khối đứa rủ nhau chờ đến Happy Hour để vào được nửa giá, tha hồ mà bao nhau. Thích ai lắm thì rủ đi boba. Còn thích hơn thì kéo đi la cà ở mấy quán có sofa và tạp chí Mỹ. Có lẽ chủ quán cũng nghĩ khách uống boba thì không đọc thạo tiếng Việt?

[center]Image[/center]

Tôi cũng không thiếu những người bạn "khoe khoang" một cách hết sức vô tư: "Tháng trước tao về Việt Nam, uống mỗi ngày bốn ly nước mía." Chắc có lúc cũng phải thèm dừa xiêm hay rau má chứ? Không, bọn nó quả quyết rằng, "Về bên đó thì phải uống cho đã! Bên này hơi mắc !"

[center]Image[/center]


Có mới nới cũ, hay thời nào thức ấy ?

Tôi nhớ khi mới đến Mỹ, được uống ly nước mía thì cứ thổn thức cả người vì cái hương vị gần gũi ấy. Mùi mía tươi thoang thoảng quyện với mùi thơm của trái quất, thật tuyệt vời! Nhưng ngày qua tháng lại, rồi dần dà cũng quen với cái sầm uất của Little Saigon, không thiếu tiệm bán nước mía. Có nơi còn có thể mua theo gallons nữa cơ! Cái thú vị của "first impression" bỗng dưng vơi đi mấy phần.

[center]Image[/center]

Chưa bao giờ tôi tự hỏi mình thích cái nào hơn: boba, hay nước mía. Nếu đặt lên bàn cân tình cảm thì nước mía thắng. Còn đặt lên cán cân vui nhộn thì boba thắng. Ít có nơi nào thấy tuổi trẻ đến ngồi chơi uống nước mía. Họ thường mua mang đi. Ngược lại, đi boba là gặp nhau. Có khi không hẹn mà vẫn gặp.


[center]Image[/center]


[center]Image[/center]



Tapioca Queen là một điển hình của sinh hoạt này. Quán nước dạng "family hangout" nên rất thanh tịnh. Nhân viên cũng là những sinh viên trung học sinh trưởng ơ Mỹ cả. "Ðồng hương phục vụ đồng hương," tuổi nào có "niche" của tuổi ấy. Cách bày trí của tiệm cũng tao nhã, tân thời. Còn điểm thích thú nhất là cái menu đủ loại, từ slurpies, smoothies, và vô số. Mùa nào thức ấy, trái cây tươi ngon mát lạnh.

[center]Image[/center]

Có phải vì cái sự đa dạng đa sắc của boba mà người ta tưởng như bỏ rơi nước mía hay không? Ðể kiểm chứng, chúng ta có thể rảo quanh các cửa tiệm có bán nước mía. Chưa hẳn đã thua thế đâu! Không kể những quán ăn nhộn nhịp ở Bolsa, những tiệm "con gái" chuyên bán chè bánh kẹo mứt cũng đầy những người chờ mua nước mía. Khi đến nước mía Viễn Tây, đôi khi bạn sẽ bắt gặp một cái đuôi rồng rắn ngoạn mục chạy dài ra đến tận chiếc xích lô phía trước cửa. Xích lô Sài Gòn nhưng không chở người, mà được chụp hình với không biết bao nhiêu là dân cư trong vùng hay khách thập phương về thăm Little Saigon.


Việt nhiều, Mỹ nhiều

Ông bà Giao Phạm và Hồng Nguyễn đã làm chủ Tapioca Queen (Westminster, CA) và một tiệm khác ở vùng South Bay, LA đã ngót mười sáu tháng. "Its a family-run business," ông Giao nói. Vì vậy, họ tự làm mọi việc từ A đến Z, và giữ các phí tổn ở mức tối thiểu. Hằng tháng, họ tốn gần 400 đô la để mua các tạp chí trẻ Anh ngữ để cho khách hàng đọc. Ðể giải thích tại sao tiệm chỉ thuê các sinh viên trung học, ông Giao trả lời, "Ðể cho tiệm sinh động hơn!" Ðiều thành công và hài lòng đối với chủ nhân Tapioca Queen là "khi khách hàng trở lại, mình biết là họ thích!" Với giá cả phải chăng, ông bà Giao lấy công làm lời.

[center]Image[/center]

Khi ghé qua nước mía Viễn Tây, tôi lại gặp các bạn trẻ đến từng nhóm. Nằm trên đường Brookhust ngay trong khu thương mại nhộn nhịp, Viễn Tây có đủ các loại bánh kẹo và các thức to-go khác. "Nước mía thì lúc nào cũng tươi," một nhân viên của tiệm tươi cười xác nhận. Chủ nhân của tiệm mua khoán một nông trại mía rộng 153 mẫu ở Mễ Tây Cơ sát biên giới. Hàng tuần, nhân viên lái xe xuống tận nơi để đốn mía tươi về để tiêu thụ dần. Mùa xuân, họ cũng bán sỉ cho tất cả các nơi từ San Jose trở xuống. Trong gần chín năm buôn bán, Viễn Tây vẫn nổi tiếng với ly nước mía mát lạnh ngọt lịm.

[center]Image[/center]

Tờ brochure và trang nhà tapiocaqueen.com của Topioca Queen dùng hoàn toàn Anh ngữ. Ông Giao nói, "Vùng này không chỉ Việt Nam, nhưng có Á Châu." Báo Mỹ, tiếng Mỹ, vật liệu và dụng cụ Mỹ, boba Việt Nam. Còn Viễn Tây? Bánh Việt, kẹo Việt, nem chua Việt, mía Mễ. Liệu ai Việt hơn, ai Mỹ hơn? Không đơn giản như vậy. Khi vào Tapioca Queen, tôi vẫn sống được cái la cà quán chè sau giờ học của nữ sinh Việt Nam. Khi vào Viễn Tây, tôi vẫn gặp một cái gì đó rất Bolsa. Vừa Mỹ, vừa Việt.

[center]Image[/center]

[center]Image[/center]


Mía, Tapioca, và "người dưng khác họ"

Cách đây độ hai năm, Tiến sĩ Craig Ihara, Giáo sư trưởng khoa ngành Sắc Tộc Học Á Mỹ tại CSU Fullerton gửi điện thư cho tôi và hỏi về cái thức giải khát với những viên bột dai. Tôi cũng hơi thích thú khi nhận được câu hỏi như vậy từ một giáo sư dạy Triết Ðông. Có lẽ đó cũng là sự tham lam của tôi, chỉ nghĩ rằng cái thức uống dai dai kia là "độc quyền" của bọn sinh viên chúng tôi. Ngờ đâu Giáo sư Triết cũng không ngoại lệ.

[center]Image[/center]

Mùa hè năm nay, tôi lại được dịp "cố vấn" cho một Giáo sư Nhân Chủng Học về cách trồng mía. Tiến sĩ Hilarie Kelly từng sống nhiều năm ở Châu Phi để nghiên cứu và thực tập. Bà mua một lóng mía về để trồng sau nhà, và hỏi tôi cách chăm sóc. Tôi hớn hở bày cách cho bà, nhưng nói thêm, "Trồng mía thường lên liếp, và cả đám. Trồng như vầy nó hơi cô đơn. Có nên gọi là the lone sugar cane không, cho nó oai ké với the Lone Cypress ở Monterey Bay đấy mà!" Trong một xã hội kỹ thuật, những kiến thức của nền văn hóa nông nghiệp xem ra cũng là cả một kho báu tiềm tàng.

[center]Image[/center]

Sự bùng nổ của boba cũng khá ngoạn mục. Những cửa tiệm mới đều ghi một hàng thật to "Boba Drinks" trên biểu ngữ quảng cáo khai trương. Thảo nào khách hàng đủ mọi sắc dân chen nhau đi tìm boba.


Boba Drink, Sugarcane Juice, Vietnamese American

"Nghĩ cho cùng, cái chuyện ăn uống cũng là cái chuyện bên lề," một cô sinh viên Quản Trị Kinh Doanh phát biểu như thế trong một lần nhóm sinh viên Việt Nam tụm nhau sau giờ học tại khuôn viên trường Fullerton. Nó không phải là chuyện sống chết của một quốc gia, lại càng không phải là chuyện kinh thiên động địa gì. "Chuyện nhỏ!"


[center]Image

Image[/center]


Có một số bạn trẻ bị "dị ứng" với Boba khi cảm thấy nó trở thành một thứ "biểu tượng" của giới trẻ Việt Nam và Á Châu nói chung. Không nói lên được văn hóa! Hơi "thiếu chất" chăng? Vậy, một ly Boba có định nghĩa cho chúng ta rằng khi cầm nó trong tay, giới mộ điệu trẻ tuổi được nhận diện là người sắc tộc Việt Nam không?

[center]Image[/center]

[center]Image[/center]

Tôi chợt nhớ đến những người bạn thuộc thế hệ đi trước, những người đồng trang lứa với Ba Mẹ tôi. Khi mới đến Mỹ, họ thèm được gặp "tóc đen" và nhớ mùi nước mắm ghê lắm. Bọn trẻ bây giờ có "vật vờ" vì nước mắm không, hay chỉ BBQ sauce và sour cream? Có nhiều người cho nước mắm là quốc hồn quốc túy của người Việt, thì sao? Những người Mỹ địa phương sành ăn thức ăn Việt còn biết phân biệt nước mắm ngon dở. Có cần thiết không việc con em chúng ta sinh trưởng ở Mỹ biết thưởng thức và biết thèm hương vị Việt?

[center]Image[/center]

"Ðoạn trường ai có qua cầu mới hay." Trong ba tháng hè tại D.C. trong một lần đi thực tập, tôi mới biết mình cần thức ăn Việt Nam đến thế nào. Nó hình như trong máu huyết, tim óc. Ẩm thực nói chung đóng một vai trò quan trọng không thể chối cãi trong nền văn minh nhân loại. Cái kinh nghiệm "đồng mâm đồng bàn" mà phương Tây gọi là "break bread together" không chỉ là một sinh hoạt xã hội hằng ngày. Chia sẻ miếng cơm manh áo là một nét văn hóa khơi gợi cái nếp sống cộng đồng, cái tinh thần hiếu khách, cái tình người, cái nghĩa đất. Chia sẻ một cái gì đó thì có lẽ cái tương quan tập thể nắm giữ chìa khóa cho một hình thức đồng sinh cộng tử.

Làm sao để chúng ta chia sẻ với các thế hệ lớn lên ở Mỹ cái mối dây ấy, cái vi tế ấy? Ở hải ngoại, chúng ta không được cái lâng lâng của một người nhấm nháp một bát chè xanh ở gốc đa thành nội, hay một ly nước mát ven đường của phố thị Sài Gòn. Người Việt ở Mỹ nhìn chung, trà thì theo người lớn, "con nít" thì đeo Boba, thanh niên thì treo càfê. Vậy Boba, nước mía, hay sữa đậu nành? Ðối với các bạn trẻ, trước hết cứ là mình đã! Chính bạn mới là nhân tố định nghĩa cái tính chất Việt trong bạn. Không chừng sau này, người ta trở lại bán chè xanh trong những quán cốc ở Little Saigon, chắc lúc ấy lại phải dựa vào những bát nước ấm áp ấy để được Việt hơn nhỉ? Âu cũng là cái hay. Nhưng cho dù chè xanh hay boba, cái "Việt" trong cách chúng ta ưa chuộng và thưởng thức mới làm cho những điều ấy có được Việt tính. Hơn nữa, Việt tính là thích ứng với môi trường mới, phô triển những tư tưởng mới, mô thức mới từ cái gốc sẵn có, để phong phú hóa và sống động hóa cái tư duy và vốn sống của dân tộc.

[center]Image[/center]


Nước mía boba ?

Vậy còn những người hâm mộ cả hai thức giải khát quyến rũ này thì sao? Thời nay, giới tiêu thụ có nhiều chọn lựa, và có quyền chọn nhiều thứ khác nhau. Ðương nhiên là chúng ta có thừa tự do để gọi mộ ly boba, hay thưởng thức một ly nước mía bất cứ lúc nào. Nhưng, cả hai cùng một lúc thì sao? Thử tưởng tượng nhé: Tapioca và nước mía. Nếu có ai bán thì không biết gọi thế nào cho nó chuẩn. Còn gọi sao cho nó kêu thì các bạn trẻ cứ tùy hỷ!

Chúc bạn ngọt với quê hương, và "ngầu" với tapioca.


Trangđài Trầnguyễn
User avatar
Christiane
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $582,698
Posts: 6193
Joined: 18 Jun 2005
 
 

Return to Hoa Thơm Cỏ Lạ



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 31 guests