Ký Thác Tập Truyện Của Bình Nguyên Lộc

Moderator: Doan Du

Ký Thác Tập Truyện Của Bình Nguyên Lộc

Postby conkiden » 06 Jun 2011

http://www.hotmit.com/link.php?id=634036
Tập truyện nổi danh của Bình nguyên Lộc,một nhà văn,nhà báo lừng danh của chúng ta những 40,50 thập niên trược
Conkiden hy vọng quý mít xem đễ nhớ lại một thời đã quạ
Truyện bình dị,thấm thía với giọng văn thật giản dị nhưng... :vt:
conkiden
Cuống Mít
Cuống Mít
 
Tiền: $1,490
Posts: 118
Joined: 30 Oct 2006
Location: Texas-Usa
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng conkiden từ: YaHuy, tieubao1, trieu long, honghoa66, khoathu, doian, vanhuong, ktp, de_men

Re: Ký Thác Tập Truyện Của Bình Nguyên Lộc

Postby kbone1812 » 07 Jun 2011



Nhân tính và nhân phẩm trong „Ký Thác“
Vinh-Lan

http://www.binhnguyenloc.de/pages/Truye ... anPham.htm


KÝ THÁC (1960): 1- Rừng Mắm 2- Hạ Bệ 3- Ba Con Cáo 4- Ba Sao Giữa Giời 5- Ăn Cơm Chưa 6- Pì-Pế-Hán 7- Cho Tay Nầy, Lấy Tay Kia 8- Hồn Ma Cũ 9- Người Ðờn Ông Ðẻ 10- Lầu 3 Phòng 7 11- Kẻ Chiến Bại 12- Rung Cây Dừa 13- Ðồng Ðội 14- Nguời Tài Xế Ðiên 15- Nắng Chiều 16- Ðôi Bạn Mắc Hoa Vông





„Viết văn chỉ là một thứ kỹ thuật, tương đối dễ học. Nhưng muốn sáng tác, em cần phải có cái gì trong lòng, để mà nói ra, bằng không, thì giã từ văn chương vậy“. Qua lời giảng của một nhà văn với giai nhân muốn học làm nữ sĩ trong truyện ngắn „Lầu 3 Phòng 7“ Bình- nguyên Lộc đã cố tình phân biệt hai động từ có ý nghĩa của hai hành vi khác nhau: „viết văn“ và „sáng tác“. Ông quan niệm rằng, đáng gọi „ văn sĩ“ là người „đã vật lộn với tình cảm, với tư tưởng, đã lao khổ sáng tác, và rốt cuộc, đẻ ra được những cái gì bền vững…“, và đối với văn sĩ, người mà theo thói thường được gọi là „người viết văn“, thì „ viết văn nào phải để leo lên đâu đâu?“(Lầu 3 Phòng 7) mà là để „dồn tất cả tinh hoa đã thâu lượm... để sản xuất ra tác phẩm nghệ thuật“ (Người Ðờn Ông Ðẻ). Muốn có được những tinh túy đó nhà văn không phải chỉ sử dụng tài năng kết chữ thành câu, kết câu thành truyện, mà còn có sự miệt mài làm việc của tim và óc, còn có sự thoát ly ra khỏi cái tháp ngà xa cách con người cũng như ra khỏi cái vùng tâm linh chật hẹp của chính mình. Ðọc „Ký Thác“ của Bình-nguyên Lộc để thấm thía quan niệm về con người trong các truyện của ông, con người với đầy đủ nhân phẩm, nhân vị, nhân cách trong mọi trạng huống và để cảm thụ một lời khuyên nhắn, cũng có thể là một mơ ước hay là một hy vọng của tác giả đặt để vào những ai muốn làm văn nhân. Ðó là sự trang bị cho chính mình những tư tưởng, suy nghiệm, ý thức tôn trọng mọi giá trị của cuộc đời bằng cách chấp nhận gian khổ của cuộc đời, cũng như của những cơn đau thai nghén để và vì sáng tác.



Quan sát nhân vật Bình-nguyên Lộc, độc giả đôi khi có cảm tưởng như đứng trước một khu vườn thiên nhiên có đủ cả mọi loại bông hoa từ màu sắc rực rở đến mộc mạc, từ hương thơm ngào ngạt đến mùi hăng hắc khó ngửi, từ loại vừa nở đã tả tơi vì một cơn gió nhẹ đến thứ mặc cho màu úa nhụy phai vẫn bám trên cành. Và cả những bông hoa nhỏ xíu mọc hoang dại nhưng mạnh mẽ bên lề đường đất lẫn lộn với dấu cỏ bị dẫm nát bằng hằng bao vết chân vô tình đi qua. Cá tính của nhân vật Bình-nguyên Lộc cũng đa dạng đa diện như thế. Ðó là những con người xuất hiện như chính họ được sinh ra đời, sống với những cơn mưa nắng của tâm tình và hiện thực trên mọi bình diện tâm lý và hoàn cảnh. Bình-nguyên Lộc viết về họ, kể về họ như viết về những nguyên bản của người sống thực tế: họ là thủ phạm, là nạn nhân, là người chân thành, là kẻ gian xảo, biết xử sự khôn ngoan, hay vụng về trong tinh thần bấn loạn... Trong xã hội, có người được ưu đãi trọng dụng, mà cũng có người bị hất hủi gạt bỏ, trong sự tàn nhẫn cố tình hay chỉ do một ngẫu nhiên không dụng ý... Ông luôn luôn tìm ra tính chất mâu thuẫn của tánh tình, sắc thái, suy nghĩ, hành động của từng cá nhân một trong nếp sống thường nhật của con người. Có thể nói, nhân vật Bình-nguyên Lộc không siêu việt mà cũng chẳng thuần xấu xa, không là anh hùng để tôn sùng mà cũng chẳng đê tiện đến đáng bị phỉ nhổ, không cứng ngắt như được nặn bằng sáp mà cũng chẳng èo uột như cọng bún thiu. Ở mỗi con người đều có khuyết điểm và lúc nào cũng tiềm ẩn bên sau chỗ yếu đuối một phần đáng để ý, đáng quý mến.



Trên đường du hành đi vào nội tâm của nhân vật „Ký Thác“, độc giả sẽ gặp gỡ vài tương phản của bản tính, có khi nó phát triển một cách tự nhiên theo hiện tượng tâm lý tuổi tác, như trường hợp ông bố già gương mẫu đi học làm thanh niên (Hạ Bệ), có khi nó lại biến thể một cách bất ngờ do phản ứng tâm lý, như anh sinh viên y khoa nhút nhát hết sợ thây ma vì bùi ngùi về nghĩa của đời người sau khi chết qua cái xác không thừa nhận của người yêu phụ bạc (Ba Sao Giữa Giời). Cũng có những tương phản của hoàn cảnh và tâm trạng thật chua chát xót xa như cô gái trẻ bị bịnh thương hàn vì gia đình chết đói nên cãi lịnh bác sĩ cấm ăn (Ăn Cơm Chưa), cái cảm giác trống rỗng trong lòng và quanh mình tuy kề cận với giai nhân khi nhà văn biết chắc rằng mình sẽ không thể gặp được người „văn hữu“ trong nàng (Lầu 3 Phòng 7), sự sợ hãi chính mình của con người „đã vơi cạn hết chất người“ khi tự cảm nhận tính chất đê hèn của phản bội (Ba Con Cáo)... . Bản sắc mâu thuẫn đầy nhân tính đó hoặc đã nằm trong vô / tiềm thức qua những đợt suy nghĩ thì thầm như tự nói với mình của nhân vật; hoặc xuất hiện rõ ràng trên ý thức của „Kẻ Chiến Bại“, mượn hình ảnh hùng vĩ thu hẹp vào hòn non bộ để dối lòng, để che đậy cái mặc cảm nhỏ nhoi của đời mình; hoặc bằng những liên tưởng được khêu gợi từ hình ảnh trước mắt, như ả ca nhi già trong cơn lạnh là tương lai của chàng thi sĩ khi chàng không còn là đồ trang sức cho những ông nhà giàu „thích ké cái thơm lây của văn nghệ sĩ“ nữa (Pì-Pế-Hán). Một tật xấu rất được „chuộng“ của con người là liên hợp hay đồng hóa sự ghen ghét trong lòng với môi trường sống thật, đã được tế nhị kể lại qua chuyện anh văn sĩ nhất định chống chữ f với đám bạn văn chỉ vì trong tiềm thức của anh còn giữ bức thơ dứt tình của người yêu đã có những chữ f (Hồn Ma Cũ), chuyện anh chàng oán một người phụ bạc rồi coi mọi người đàn bà là „những con ác quỷ“ và cho đời chỉ đáng xa lánh (Rung Cây Dừa), chuyện cô gái già tuổi dần sống trong cảnh ế ẩm cô đơn đã từng hết thương bạn, cố tìm ra đủ thứ lỗi lầm to nhỏ để ghét bạn, tại vì bạn đi lấy chồng (Ðôi Bạn Mắc Hoa Vông). Sự xuất hiện cùng một lúc hai mặt đối chọi nhau của sự kiện thực tế ngoài đời, hay của tâm lý và bản tính con người trong một số truyện là minh chứng cho những vấn đề tuy khó ngờ khó tin nhưng vẫn có thể là sự thật. Đó là sự tương thân khi cùng khốn khổ của hai „con cáo“ người (Ba Con Cáo), hay tính cứng đầu của kẻ ở thế yếu : cãi không được mà không chịu thua (Người Tài Xế Ðiên), đó là cảnh tượng cay đắng của khoa học thuốc vừa cứu người ra khỏi tay tử thần rồi khoa học máy cán người dưới bánh xe (Cho Tay Nầy, Lấy Tay Kia), hay quyết định dứt khoát của kẻ rời bỏ đảo „thần tiên“ để quay về đời sống loài người „giả dối“, vì cái nơi xấu xa có đủ mọi yếu tố tình cảm đau-buồn-hận-thù-ghét này còn đặc biệt có „thương“....(Rung Cây Dừa)



Có thể nói, truyện nào của Bình-nguyên Lộc cũng làm ta nghĩ đến những góc tình thương đậm đà của nhà văn dành cho nhân vật của mình. Trong truyện ngắn của Bình-nguyên Lộc độc giả khó lòng tìm ra được một cái „Tôi“ vĩ đại, toàn thiện của tác giả đứng trước những „nhân vật nhỏ bé, ti tiện, đáng khinh“. Ðộc giả chắc không ngăn được nụ cười khi Bình-nguyên Lộc giới thiệu nhân vật có cái nghề mà thời đại nào cũng miệt thị, nghề làm gái ăn sương: „ là một thứ hồ ly không hớp hồn nho sĩ mà chỉ hốt bạc cắc của mấy anh lao động thôi“, hay với giọng hài hước ông cho ta hình dung được cử chỉ lố bịch của một ông bố cao niên đang „ vội vàng chạy lượm mót của trời“ trong vũ trường khiến cho cậu con „ có cảm giác đang đọc một bài thất ngôn bát cú in xen vào một tập thơ tự do“, trong khi cử chỉ của cậu con háo thắng thì lại „giống như một con dê mới mọc sừng, đang giang hai chơn trước, gầm đầu xuống, sừng chĩa tới trong một dáng diệu sẵn sàng chờ địch thủ“. Ngược lại, độc giả cũng không khỏi chua xót cho sự dốt nát của cô gái Triều châu bị bịnh thương hàn mà không hiểu được sự nguy hiểm của những hột cơm lúc bao tử đã bị vi trùng làm mỏng đi, nên „ không cả quyết ăn vì thèm nữa, mà ăn để trả thù sự chết đói của cả nhà nó...“ Cái thú vị tuyệt diệu của sự theo dõi diễn biến tâm lý một nhân vật trong cuộc đi săn hình ảnh của dĩ vãng bắt đầu bằng những hình ảnh hằng ngày quen thuộc trong tiệm nước Tàu, là khi Bình-nguyên Lộc cho anh ta phiêu lưu với ý tưởng qua sự chủ động của tiềm thức, mà hoàn toàn không ngờ mình đang đi tìm nguyên nhân của sự ghét và chống chữ f. Bình-nguyên Lộc dắt độc giả theo chân anh ta đi tìm những hồn ma cũ với giọng văn đã làm ma nào cũng đáng yêu cả „Mến yêu là những con ma tóc còn đương rẽ, áo quần còn hôi ruộng bùn, cùng nhau ngơ ngác giữa đô thành....Bối rối là những con ma thiếu nữ gặp nơi nhà quen, khi ra chơi chúa nhựt, những con ma, nó làm cậu học sinh lưu trú ngơ ngẩn suốt tuần. Ôi! dịu dàng là những con ma áo tím….”, để rồi những con ma đó đã dẫn nhân vật đến bức thơ tay cuối cùng của người tình đầu tiên, bức thơ dứt khoát có những f thay cho ph!



Tuy là người theo tân học, đã có ý tưởng vượt ra một số ước lệ luân lý cổ hủ, phá bỏ sự gò bó vô lý của vài thành kiến đạo đức lỗi thời (Ðôi Bạn Mắc Hoa Vông, Hạ Bệ ), nhưng ông không sáng tác với tác phong và bằng văn phong của người tách ra khỏi môi trường sống của mình. Trong tập truyện có hơn hai mươi nhân vật khác nhau mà tất cả, từ tên bất lương, ả giang hồ, nữ ca nhi về chiều, cô gái trẻ nghèo dốt bị mua từ hoàn cảnh nước lụt, cho đến cô gái lỡ thời với tâm lý dằn xé hay anh sinh viên trường Thuốc thất tình, chàng văn sĩ đang nuôi ảo tưởng tìm văn hữu, ông thầy đạo giáo não nề với sự thật Fa-Kia .... đều được miêu tả, diễn đạt bằng một giọng văn dí dỏm, tuy đôi lúc có châm biếm mỉa mai, hay phảng phất chất xót xa nghĩ ngợi, nhưng cách hành văn phóng khoáng với hơi hướm trào phúng duyên dáng đã làm những bức tranh đời nhiều bộ mặt rất thật này trở nên dễ mến, dễ được thâu nhận và cảm thông. Cả thủ phạm lẫn nạn nhân, cả trong sạch lẫn tội lỗi đều được ông ghi nhận bằng chân tình, không hề có sự hằn học, khinh miệt hay phỉ báng. Mọi thứ sai lầm, nhược điểm, như những nỗi sợ khác nhau đã gặp gỡ nhau trong cùng tâm trạng sợ, những nguyên nhân phản bội khác nhau đã gặp gỡ nhau trong cùng hành động phản bội, mặc cảm nhỏ nhoi được nguỵ trang bằng giấc mộng lớn hải hồ, sự oán hận một người lây đến cả loài người, ý đồ phản trắc vì nghèo nàn và áp lực tù tội, thái độ hèn nhát đổ lỗi cho nhau trong cơn nguy biến ... đều là những khía cạnh thực tế của nhân cách đầy nhân tính trong cuộc sống hỗn độn và trong một xã hội nhiễu nhương. Nhưng, cũng thiết tha vô cùng khi kẻ đã thù ghét con người bỗng khao khát tiếng vang của loài người. Khao khát vì đã sống và đã thấm thía với „một xã hội thú vật, cóc cần tình cảm, cóc cần tình thương đối với lớp người trái chanh, lớp người bị vắt hết cả nước cốt trong thời niên thiếu để dâng lên đoàn thể, và bây giờ chỉ còn trơ lại cái vỏ khô như xác ve.“ Thế nên, dù phải trở lại một xã hội hời hợt đang dung túng cả những „miệng ký sinh nhân“, người đã cố tình bỏ tên tộc từ hăm hai năm qua vẫn háo hức trở về mảnh đất của „những người biết thương, thương nhiều quá, thương đến cả kẻ thù, đến cả những cái miệng hoàn toàn vô ích“ (Rung Cây Dừa)



Có lẽ sự tô điểm cố ý của Bình-nguyên Lộc cho nhân vật của ông là khả năng suy nghĩ, cái khả năng đã đưa con người lên hàng cao nhất trên mọi sinh vật trong trời đất, cái khả năng đã giúp con người có được quyết định và hành động chiến thắng những phản ứng phản xạ theo bản năng và chế ngự những chướng ngại của tâm sinh lý phức tạp. Nó đã thể hiện qua sự cứu giúp nhau khi cùng cảnh ngộ giữa những kẻ từng kênh kiệu nhau, lương tâm của người chai đá cũng được đánh thức vì tính cách nhơ nhớp của hành vi phản bội (Ba Con Cáo), nỗi tuyệt vọng vì mất uy tín trở thành niềm hy vọng cho một sự cảnh cáo (Hạ Bệ), sự dứt khoát thà tù tội chớ không bỏ đồng đội ở giây phút cuối cùng (Ðồng Ðội), sự tỉnh ngộ về cách phung phí thời gian và tâm trí cho phép mầu của ông thầy đi tìm chân lý (Nắng Chiều), niềm thương cảm của cô gái già với con chó trẻ đang ở độ xuân thì (Ðội Bạn Mắc Hoa Vông)... Và tuyệt đẹp là sự hy sinh của những con người chất phác như cây mắm, chịu gian khổ để xây dựng cho thế hệ mai sau, một hành động không phải chỉ đến từ óc mà còn bằng tim! (Rừng Mắm)



Cũng có lẽ sự tô điểm cố ý thứ hai của Bình-nguyên Lộc cho nhân vật, đã ngầm chất chứa trong đó tâm sự của chính tác giả, là tính chất nghệ sĩ, hay rõ ràng hơn là tính chất đặc sắc của lý tưởng người làm văn nghệ chân chính. Nó không chỉ là „cái say chiến đấu ..., cái gì dễ dàng quá thì không ham, mà chỉ mê mệt đối với những sáng tạo đau đớn thôi“ (Lầu 3 Phòng 7) mà còn là tinh thần quý trọng giá trị tác phẩm hơn sự tôn vinh bản thân, đặt mục đích và quá trình sáng tác trước mọi cơn đau tâm linh và quằn quại thể xác, hầu mong „góp khí thiêng của trời đất, un đúc lại“ mà hoàn thành công trình „làm đẹp cuộc đời“ và sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh „không ai dư nước mắt khóc cho số kiếp nghệ sĩ“, bởi vì „cái kiếp của chúng nó là đau khổ rồi chết đi, để lại đồ đẹp cho ta hưởng...“ (Người Ðờn Ông Ðẻ). Cái đẹp của nghệ sĩ tính không giống như cái đẹp sáng tạo mà nghệ sĩ đã lưu lại đời: „đẹp hơn ngũ sắc của tường vân, đẹp hơn mống trời, đẹp hơn ráng trời, đẹp hơn cả màu sắc của trăm hoa nơi vườn Thượng Uyển“, mà nó là cái đẹp khiêm nhường ẩn khuất của một tâm tình tha thiết, không sợ mình bị thiệt thòi mà chỉ sợ tác phẩm không được bảo toàn, sợ „uổng công...khó nhọc mà không ai hưởng được...“! (Người Ðờn Ông Ðẻ)



Bình-nguyên Lộc đã còn cho độc giả một cái thú đặc biệt nữa là tự khám phá sự nhạy bén của cảm nhận qua lối đùa giỡn tinh nghịch với đề tài của ông. Sự đối chiếu của hai cực tương phản giữa „người bịnh quê mùa không tên“ và „y khoa, kỹ thuật tân kỳ“ (Cho Tay Nầy, Lấy Tay Kia), giữa „khoa học thực tế thực tiển“ và „thần học huyền bí khoa trương“ (Nắng Chiều) là mấu chốt cho suy tư chiêm nghiệm. Tư tưởng tế nhị, thâm trầm được trá hình qua sự giản đơn của câu chuyện và lời lẽ khôi hài về nhân vật. Tính cách sâu sắc của đề tài Bình-nguyên Lộc nằm ở chỗ mọi sự kiện được che dấu dưới dạng chẳng có gì đáng gọi là sâu sắc cả. Người đọc tiếp xúc với những vấn đề rất tầm thường mà không ngờ mình đã đối diện với những vấn đề rất trọng đại, chẳng hạn như mục đích phục vụ đời sống con người của khoa học, hay tính nuôi dưỡng tinh thần con người của đạo giáo.



Chỉ với 16 bài trong tập „Ký Thác“, mà tựa tập truyện tự nó đã là nỗi niềm-tâm tư-hoài bảo-gởi gắm trong chọn lọc của tác giả, Bình-nguyên Lộc đã đưa rất nhiều vấn đề của con người ra để được nhận diện, phản ảnh và suy gẫm. Những vấn đề chung quanh con người đó cho thấy trong thời gian sáng tác nhà văn đã có không biết bao nhiêu cơn động tâm động não cho suy tưởng, khổ nhọc đớn đau như „kiếp tằm“ và đã có không biết bao nhiêu khắc khoải trăn trở với đề tài, thao thức chịu đựng với sự hoài thai để có thể cho ra đời một cái gì „bền vững“ mà tác giả mơ ước „nâng niu“. Tấm lòng của tác giả với chất liệu và đối tượng sáng tác đã bộc lộ qua cách xây dựng cốt chuyện, mà trong đó đó các nhân vật, cho dù thuộc giai cấp hay thành phần nào trong xã hội, cho dù đang ở trong trạng huống tâm lý hay thực tế nào, nhân vị và nhân phẩm của họ bao giờ cũng được Bình-nguyên Lộc chăm sóc và bảo vệ.



Nhà văn không thể trực tiếp làm thay đổi thế cuộc, khó xoay chuyển được tình thế của con người, nhưng nhà văn vẫn có khả năng đóng góp vào một nhiệm vụ cao cả, như văn sĩ đương đại Péru, Mario Vargas Llosa, ao ước: „ ...tạo cơ hội cho chúng ta biết tôn trọng các giá trị, mà nếu không có những giá trị đó thì thế giới có thể sẽ bị ngự trị bởi tuyệt vọng và con người sẽ đánh mất sự kính trọng lẫn nhau“. Ðiều ao ước ấy nhà văn Việt Nam quá cố Bình-nguyên Lộc của chúng ta đã thực hiện từ lâu qua những sáng tác về con người, cho con người và với lòng yêu thương con người.



Vinh-Lan
07.2007

kbone1812
Quả Mít
Quả Mít
 
Tiền: $40,826
Posts: 1236
Joined: 08 Sep 2006
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng kbone1812 từ: YaHuy


Return to Truyện Đọc ( E-Book )



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 16 guests