Hồn người giám thị - Thủy Lâm Synh - Truyện kinh dị

Moderator: Doan Du

Hồn người giám thị - Thủy Lâm Synh - Truyện kinh dị

Postby Tubet » 01 Sep 2011

HỒN NGƯỜI GIÁM THỊ
Truyện kinh dị
Thủy Lâm Synh

Giá xăng tăng đến gần $4.50 một gallon (ga lông), thiên hạ đổ xô nhau dùng phương tiện công cộng để đi làm. Việc nầy khiến cho những chuyến xe lửa CTA (Chicago Transit Authority) đông nghẹt vào những giờ cao điểm. CTA phải tăng cường thêm xe buýt và cần thêm người lái. Tôi được gọi trở lại sau thời gian dài nằm trơ vơ gác chuông ăn tiền thất nghiệp.

Chuyện thất nghiệp, rồi kêu đi làm trở lại trên xứ kỹ nghệ không có gì đáng nói. Chuyện tôi gặp lại người giám thị cũ mới là lý do chính cho tôi viết câu chuyện nầy. Trước khi vào chuyện - tôi xin thưa rằng, tôi là một người thực tế, không tin những đồn đãi, thêu dệt vu vơ... Nhưng một kinh nghiệm bản thân như câu chuyện tôi sắp kể sau đây nhờ bạn đọc góp ý.

Vào một buổi tối trời mưa, tôi lái chiếc xe buýt CTA mang số 81, khởi điểm từ trạm chính Jefferson Park (Dép phơ xanh pạt ) ra đường Lawrence (Lô rên x) đi về hướng đông để đón khách. Khi xe đến điểm quay đầu trở lại trước bệnh viện Weiss Memorial trên đường Cleredon - một trạm đánh dấu nửa chu kỳ của tuyến đường. Tôi để máy nổ chờ đúng 10 phút, nhưng có lẽ quá khuya nên không có một người khách nào lên xe. Tôi rời trạm để trở về, đó là chuyến cuối cùng trong ngày, lúc ấy là 11 giờ 52 phút. Trời mưa lớn, tiếng giông inh ỏi, ánh sét lập lòe tứ phía. Càng về khuya, mưa càng nặng hạt, tôi chạy xe không, chỉ cần rà thắng mỗi lần tới trạm. Khi xe tôi tới gần trạm ở góc đường Lawrence (Lô rên x ) và California (Ca li for nhi a) thì tôi thấy có một người khách đang che dù đứng đợi. Xe ngừng hẳn, tôi bấm nút mở cửa, một người mặc đồng phục CTA, nách cặp quyển sổ bước lên. Anh ta không bước lọt vào xe vì quên là cây dù chưa xếp lại. Tay phải lấy quyển tập từ nách liệng lên chiếc ghế trống rồi dùng cả hai tay xếp chiếc dù. Ông khách đứng trên tam cấp, đưa chếc dù đã xếp rung rung vài cái cho nước mưa rớt bớt ra ngoài trước khi vào ghế ngồi. Dưới ánh đèn lờ mờ tôi nhận ra ngay người đó chính là Kent White (kên quay) , người giám thị cũ của tôi, cùng làm cho hãng vận chuyển CTA. Thường thì những người giám thị nầy có nhiệm vụ sắp xếp cho việc phục vụ hành khách thêm hữu hiệu. Nếu cần, họ cho tài xế đổi tuyến đường – nghĩa là làm thế nào để khỏi có xe chạy không đường nầy mà đường khác thì khách đợi lâu không có xe. Trước khi nhấn ga cho xe chạy tới, Kent chỉ thị cho tôi quẹo phải tại California (Ca li for nhi a) để lên đường Foster (phốt xtơ) đi về hướng tây vì chuyến 92 trên tuyến ấy hỏng máy. Tôi vui miệng:

– Trời mưa lớn, trên ấy chẳng có ma nào đi đâu!

Kent cười đưa hàm răng trắng buốt nói vuốt theo:

– Có ma nào chứ !

Đi được một khoảng, lúc tới ngang bệnh viện Swedish Covenant (Xqui đis cô vơ nên) , Kent White (kên quay) bảo:

– Radio báo cho tôi đón anh chỗ ấy.

Tôi hỏi:

– Có cần đổi lại số xe không?

Kent ôn tồn:

– Không cần đâu, chỉ chạy tạm một đoạn thôi, thấy hành khách thì ngừng, không thì đi luôn, không ai trách.

Kent White (kên quay) là xếp cũ của tôi, khi tôi còn lái xe bus cho CTA ở miệt phía nam thành phố Chicago. Tuyến đường ấy phức tạp, hành khách toàn da màu, lên xe họ cứ văng tục, ăn nói ồn ào như cái chợ. Có khi cãi lộn, rồi đánh nhau trên xe làm cho một thằng tài xế da vàng mũi tẹt và nhỏ con như tôi lắm khi cũng ngán. Tôi chỉ sợ ngày nào đó nó bắn lộn trên xe thì ai lường được viên đạn vô tình.

Không gặp nhau mấy tháng, ít nhất từ khi tôi nghỉ việc. Chúng tôi trò chuyện mới biết Kent đã chuyển về trên nầy. Tôi cũng cho ông ấy hay là tôi mới được gọi đi làm trở lại có vài tháng nay thôi.

Kent hớn hở nói:

– Thế thì mầy nên thưởng tao chai rượu mạnh đấy.

Tôi chỉ cười dã lã.

Bên ngoài mưa vẫn mạnh, tiếng gió trên mui xe ma sát vù vù nên Kent phải đến ngồi ghế sát sau lưng tôi để nói chuyện. Một luồng khí lạnh ngắt tuôn đến từ phía sau gáy, tôi khẽø rùng mình. Như một phản ứng, tôi chờm tay mở thêm hơi sưởi. Xe chạy vừa qua khỏi đường vào đại học Northeastern đến nghĩa trang thì Kent đứng dậy nói:

– Khuya quá rồi, chắc cũng chẳng có ai đón nữa đâu, mầy cho tao xuống đây, nhà tao đã dọn về khu nầy rồi, ở xéo xéo đây thôi. Nhớ tới đường Cicero (Xi xeo rô) mầy có thể chạy lại xuống Lawrence (lô rên x) rồi về bến.

Kent khệnh khạng bước xuống xe. Tôi chào tạm biệt hắn rồi nhấn ga cho chiếc buýt vọt tới. Kent White đi rồi, tôi mỉm cười một mình.

– Mẹ kiếp, da thì đen mà họ lại trắng, phải chi tên hắn là Kent Black (kên b lăk) thì bá tánh đỡ suy nghĩ.

Dân da đen từ thời nô lệ đã không có họ, người chủ đôi khi dùng họ của mình đặt cho như Washington (Qua sington), Jackson (Chắc xơn), Williams (quiu li âm) v.v... Nhưng cũng lắm khi người chủ không muốn dùng họ mình nên lấy đại màu sắc như white, green, blue, brown (quai, grin, blu, brao). Có lẽ vì sự tế nhị, black (blăk) không thấy xuất hiện ở họ người da đen bởi làm thế chẳng khác gì ám chỉ họ đen dù thực tế họ rất đen, ngoại trừ hàm răng. Trở lại chuyện gặp Kent tôi còn thắc mắc; thường thường giám thị có chiếc Bronco do CTA cấp, mắc gì phải lên xe buýt của tôi, rồi lại đòi xuống chỗ rất vắng vẻ thế. Một ý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu tôi:

– Chắc hắn không có phương tiện về nhà lúc nửa đêm, nên đã lạm quyền, bảo tôi đưa hắn về chăng? - Tôi yên lòng với giả thiết nầy.

Khi xe tôi về tới bến, người phụ trách thùng đựng tiền lên mở khoá úp lon tiền trong ngày vào chiếc túi vải. Anh ta cho tôi hay là giám thị Bill cần gặp. Tôi vào trình diện, Bill bệ phệ ngửa người trên chiếc ghế da, hai chân gác chéo trên một góc bàn, miệng đang nhai ngồm ngoàm cái burger nói:

– Anh đi đâu mà không đón khách, để hai ba người gọi về khiếu nại, anh có biết là anh chạy chuyến chót không?

Tôi tự tin bình tĩnh trả lời:

– Vâng! Tôi biết, nhưng ông White (quay) đón tôi tại góc California và Lawrence, (Ca li pho nhi a và Lô rên) ông ấy bảo tôi quẹo lên Foster (phốt x tơ) đón khách tuyến đó vì xe 92 hỏng máy.

Bill ra vẻ mất bình tĩnh, đập tay xuống bàn quát:

– Xe 92 đã về trước anh cả buổi, có hỏng máy gì đâu!

Tôi nhíu mày, tự thắc mắc.

– Thế sao ông White lại đón xe tôi và bảo tôi giúp xe 92 là thế nào?

– White nào, anh làm việc với tôi hay với hắn?

– Dĩ nhiên là tôi làm việc với ông, nhưng ông Kent White (Kên quai) cho biết là có radio bảo xe tôi đổi tuyến đường. Ông ấy còn cho biết mới đổi về khu vực nầy.

– Trong số mấy chục giám thị khu vực, chỉ có một Kent White (Kên quai) thôi nhưng hắn làm việc ở miệt phía nam Chicago, chừng nào mới tới phiên hắn về trên nầy. Nếu hắn muốn thì phải chờ tới tết Congo.

Tôi từ tốn lặp lại dù biết rất thừa, nhưng cũng muốn biện hộ cho sự thật:

– Ông nói sao, ông White (quai) không thể nào đổi về đây à? Rõ ràng tôi đã gặp ông ấy, ông ta còn lên xe, bảo tôi chạy lên thay cho xe 92 một khoảng vì xe 92 hỏng máy ở đường Western. (Quết xtơn)

Bill lộ vẻ không tin:

– Anh tưởng tôi có thể tin được chuyện hoang đường ấy à?

Tôi níu kéo:

– Ông không tin cũng được nhưng đó là sự thật, tôi mới gặp ông White đây.

Bill nói:

– Thôi, bỏ qua chuyện ấy đi, lần sau không có lệnh của tôi, anh không được tự động chạy đâu thì chạy.

Tôi chào tạm biệt Bill (biu). So với Kent; Bill là người giám thị ít người ưa bởi cái tính hách dịch. Tôi đến phòng bấm thẻ ra về, nhìn đồng hồ tôi thấy hôm nay trễ mất cả tiếng, vợ tôi chắc đang trông lắm. Tròng chiếc áo mưa có nón phủ đầu, tôi đi bộ ra bãi đậu xe. Mưa vẫn còn nặng hạt, tiếng gió vù vù muốn lật cả nón aó mưa của tôi. Vài bóng đèn xa xa quanh bãi đậu xe mờ ảo dưới màn đêm mưa rơi. ánh chớp lóe lên, tôi giật mình, hình như có một người đang che dù đi trước tôi khoảng mươi mét. Nhưng rồi màu đen lại trùm xuống, tôi không còn thấy gì nữa. Bãi đậu xe vắng tanh, chỉ còn dăm ba chiếc. Mở khóa cửa, tôi chui vào xe nổ máy, bậc quạt nước và mở hơi sưởi mạnh cho kiếng xe tan hơi mù.

Lái xe về mà đầu óc tôi cứ phân vân việc gặp lại Kent White (kên quai). Theo Bill (biu) thì việc hắn đổi về trên nầy không thể nào xảy ra. Lúc ăn thất nghiệp, tôi có gọi cho Kent đôi lần để nhờ hắn gởi gắm tôi vào làm gần nhà khi hãng có ý định kêu tài xế trở lại làm việc. Tôi biết bất cứ chỗ nào, nơi đâu cũng phe phái và quen biết mới được. Trong lúc nói chuyện không hiểu Kent đùa hay thật:

- Khi tao gởi được mầy, nhớ đừng quên cho tao chai Cognac VSOP (Co nhắc Vi S Ô Pi), thứ mà mầy biếu tao năm trước, tao thích cái mùi vị nó.

Tôi đã đi làm vài tháng nay, nhưng quên khuấy đi, không ghé nhà thăm Kent. Một thoáng rất nhanh tôi nghĩ: Có thể nhờ quà cớm Kent đã đổi về đây mà Bill chưa biết chăng. Tôi cười vui trong bóng đêm vì tôi rất thích làm việc với Kent, hắn là một người tốt. À, mà cũng có thể nhờ Kent nên tôi mới được kêu đi làm trở lại? Đúng rồi, hắn đổi về đây nên hắn muốn tôi làm vùng trên này với hắn. Hèn chi lúc nãy trên xe hắn đã không nhắc khéo tôi chai rượu mạnh. Đường về nhà tôi, hai bên cây cối rậm rạp, Tôi lái xe và đang suy nghĩ về Kent, thì bỗng nhiên, từ trạm xe buýt, gã da đen đang đứng bên lề phóng ngay ra đầu xe tôi ngã cái bịch. Tôi thắng gấp, nhưng tôi nghe hình như bánh xe đã cởi lên người hắn. Tôi hoảng hồn, tay chân bỗng run lên vì hình dung tai nạn chết người. Trong một thoáng rất nhanh và phản ứng của kẻ ngộ sát, tôi định phóng xe chạy luôn để trốn tránh, nhưng thấy đèn của một chiếc xe hơi đi ngược tôi phải ngừng vị lại sợ rắc rối. Trong lúc ấy tôi chưa biết tính sao, tôi rất sợ phải chứng kiến một thân người máu me bê bết đang quằn quại dưới gầm xe của tôi. Cuối cùng tôi để xe nổ máy, mở cửa bước ra. Phía sau đít xe tôi, bóng người đàn ông khập khiểng tiếp tục băng qua bên kia đường. Tôi hỏi:

– Ông có sao không?

Hắn không trả lời mà còn như có ý chạy trốn tôi. Đứng run một chặp, tôi dòm dưới gầm xe, nhìn trước sau không có chứng tích gì là một tai nạn vừa xảy đến. Đường sá vắng tanh, nhà hai bên đường im lìm như đã ngủ say. Cơn mưa lớn giờ đã tạnh, chỉ còn vài hạt nước rơi từ các lá cây lộp độp xuống mui xe, xuống đầu tôi. Tôi mừng rỡ, tới mở cửa xe chui vào, lòng lâng lâng sung sướng như vừa được một vật gì quý lắm. Giả sử vì rủi ro đụng chết một người chắc cả đời tôi ân hận, vì tôi nguyện ăn chay khi nào ngán thịt cá. Đạp ga thật mạnh tôi chạy một mạch về nhà. Quả nhiên vợ tôi còn chong đèn đợi, bóng nàng nhìn ra cửa sổ khi thấy ánh đèn xe tôi chạy vào nhà xe.

Tôi còn đứng ngoài hè cởi chiếc áo mưa, cởi giày. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn hai giờ sáng. Vợ tôi đưa chiếc khăn vắt nước nóng cho tôi lau mặt, cùng lúc nàng báo bản tin là bà Kent có gọi cho biết chồng bà bị tử nạn xe hơi hồi chiều hôm qua. Tôi lặng người giây lâu. Tôi chưa kịp kể cho vợ tôi nghe câu chuyện ở sở làm thì vợ tôi lại báo tin như thế. Đêm hôm đó vợ tôi mặc chiếc áo ngủ mỏng, mùi nước hoa từ vai, từ cổ nàng thơm ngào ngạt, bàn tay cứ luôn luôn táy máy chừng như muốn bắt đền tôi cái tội về trễ. Ấy vậy mà tôi cứ miên man nghĩ ngợi; lẽ nào sau khi hồn rời dương thế hắn còn đến tìm tôi để đòi chai rượu mạnh. Tâm trí tôi lại cứ dồn hết vào những gì đã xảy ra nguyên buổi chiều hôm nay. Tôi nhớ đến người giám thị và nhớ lại lời bà nội tôi khi xưa thường nói. “Thà thiếu kẻ dương gian, đừng nên mắc nợ người âm phủ”. Tôi ngồi bật dậy, ra tủ trà lấy chai rượu mạnh để sẵn trên bàn. Hẹn sáng mai chạy xuống nhà Kent đặt lên bàn cúng hắn. Vợ tôi đang ngơ ngác cho việc làm của tôi. Nàng hơi buồn nhưng có lẽ nàng thông cảm cùng tôi đang tiếc thương một người đã mất.

Khi đến nhà, Bà White (quai) nước mắt ràng rụa, bà nói trong tiếng khóc rằng mới chiều hôm qua, khi băng qua đường để mua gói thuốc, Kent đã bị xe hơi tung chết tại chỗ, bánh xe đã đè dẹp người không cách gì cứu sống được. Hiện xác còn đang để trong bệnh viện.
Thưa bạn đọc, câu chuyện gặp người giám thị đến đây là hết, nhưng trong thâm tâm tôi cứ giằng co về những hiện tượng lạ lùng, mà khoa học vật lý khó có thể chứng minh. Trong giấc chiêm bao không nói làm chi, đây rõ ràng là tai nghe mắt thấy. Phải chăng trước khi đi về một cõi xa xôi nào đó trong vô cùng thế giới, hồn người chết còn phải có nhiệm vụ thông báo hoặc đi đòi các món nợ rất ư lặt vặt trên đời sống trần tục nầy sao?

THỦY LÂM SYNH
June 22, 2008
(Tác giả xin lỗi - Chữ trong ngoặc chỉ dành cho người đọc không quen tiếng Anh)
Tubet
Lá Mít
Lá Mít
 
Tiền: $416
Posts: 16
Joined: 18 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Tubet từ: tieubao1, Van Ngoc, sohangvuong

Return to Truyện Đọc ( E-Book )



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 35 guests