Đóa hồng của con - Thủy Lâm Synh - Truyện xã hội

Moderator: Doan Du

Đóa hồng của con - Thủy Lâm Synh - Truyện xã hội

Postby Tubet » 27 Aug 2011

ĐÓA HỒNG CỦA CON
Truyện xã hội
Thủy Lâm Synh

Ngày mai có khách. Ông A nhìn quanh nhà một lượt. Sách vở, băng phim bộ nằm ngổn ngang trên một đầu của chiếc sofa. Những chai nước sơn móng tay nằm lăn lóc trên chiếc bàn nhỏ mặt thủy tinh kế đó; chai acetone không đậy nắp ngã đổ, kéo thành vệt dài chảy xuống làm bạc phết một vùng trên sàn gỗ. Xuống nhà bếp: chỗ nầy cái tách, chỗ kia cái bát, muỗng, nỉa tứ tung, tiện tay ông liệng chúng hết vô bồn rửa chén vốn đã có nước mỡ nổi lềnh bềnh trong cái xoong lớn. Trong xoong là một mớ chén bát và thức ăn thừa. Bỗng dưng ông A đâm bực và tự trách mình đã giúp vợ quá nhiều trong những công việc lặt vặt nầy nên nàng cứ bừa ra.

Người khách đó chính là bà Hồng Jefferson, người Việt duy nhất trong số khách hàng mà Tòng phải giao báo Chicago Suntimes. Ngày nào đưa báo tới nhà, bà Hồng cũng đều cho tiền Tòng. Cử chỉ thân thiện và lòng tốt của bà Hồng khiến Tòng nửa mừng, nửa lo. Nó mừng vì được tiền và lo vì sợ tòa báo biết nó nhận tiền của độc giả như thế không biết có ảnh hưởng gì đến việc làm hàng ngày của nó không! Năm ngoái cũng vào độ nầy, một hôm sau khi giao báo, bà Hồng bước ra khóm hồng bên hông nhà ngắt cho Tòng một đóa hoa hồng đỏ và kèm theo những 20 đồng. Rồi năm nay cũng vậy bà cho Tòng một cái hoa hồng đỏ nữa và kèm theo tờ giấy 50 đồng. Bà Hồng tử tế với Tòng để làm gì nó không hiểu được. Tòng lặng người một giây rồi ngây ngô hỏi:
“Dì đã cho cháu tiền mỗi ngày rồi. Dì có cần cháu làm gì không?”
Bà Hồng mỉm cười, âu yếm vịn vào vai Tòng bảo:
“Cháu dễ thương lắm, dì cho cháu tiền ăn quà, cháu không phải làm gì cả.”
“Cháu được nhà báo trả tiền rồi.”
“Dì biết, nhưng dì cho thêm.”
Tòng cúi đầu cảm động, nó buộc miệng hỏi:
“Năm ngoái dì cho con cái bông hồng, năm nay cũng vậy, có phải dì tên Hồng nên dì thích bông hồng?”
Bà Hồng phá lên cười.
“Cháu khéo nói quá, bộ cháu không thích bông hồng sao?”
“Cháu thích chớ, nhưng khi hỏi mấy đứa bạn trong Gia đình Phật tử, chúng bảo rằng mùa Vu Lan mà đeo bồng hồng đỏ là tượng trưng cho người còn mẹ. Bông hồng trắng tượng trưng cho người đã mất mẹ rồi.”
“Vậy cháu còn mẹ thì đeo bông hồng đỏ là đúng rồi.”
Tòng rớm nước mắt, nó đưa tay mân mê tà áo trả lời:
“Dì ơi! Cháu đâu có mẹ. Ba cháu nói mẹ cháu đã chết lúc cháu mới hai tuổi.”
Bà Hồng thoáng buồn, đưa tay xoa đầu Tòng:
“Tội nghiệp cháu quá, cháu thích có mẹ không?”
“Thích lắm chớ, nếu có chắc cháu không đi bán báo đâu. Mấy đứa bạn cháu sướng lắm, muốn cái gì mẹ chúng nó cũng mua cho. Tụi nó được mặc đồ mới, còn quần áo của cháu ba mua ở mấy tiệm đồ cũ, nhưng còn tốt và vừa vặn lắm dì Hồng ơi.”
Vừa nói Tòng vừa đứng dang rộng hai chân, ngắm nghía chính nó như thỏa mãn những gì nó có.
Bà Hồng lại thấy vui lây cái vui non dại của Tòng. Nhưng nghĩ đến sự so sánh của nó vừa rồi bà Hồng thoáng một phút xúc động, bà kéo thằng Tòng đứng sát vào bà một tí. Bà Hồng đưa tay vuốt mớ tóc rối của Tòng ôn tồn:
“Vậy là cháu không còn mẹ, nhưng còn ba. Dĩ nhiên là những người còn mẹ thì sướng hơn, nhưng nếu sống ở Việt Nam cho dù còn cha mẹ cũng chưa chắc được sung sướng. Hiện tại dì cũng không có con, hay là cháu làm con...”
Câu nói chơi của bà Hồng chưa tròn, nhưng Tòng đoán được, nó ngước nhìn lên bà Hồng hỏi:
“Con dì đâu hết rồi?”
Bà Hồng chớp chớp đôi mắt, vài giọt lệ lăn tròn xuống má, bà nhìn hướng khác kể:
“Ngày mà Việt Nam Cộng Hòa sắp đổi chủ. Dì và gia đình đi lánh nạn, trên đường đi, chẳng may bị thất lạc đứa con trai. Khi qua đến Mỹ, một quốc gia lớn gấp mấy chục lần nước Việt ta, không dễ gì tìm kiếm được. Và lúc đó vấn đề liên lạc về quê cũng rất khó khăn nên đứa con của dì vĩnh viễn xa mẹ cha. Cũng vì lẽ đó mà chồng dì đã gây gổ, bỏ nhà đi rồi có vợ khác.”
Nghe tiếng nấc, Tòng biết bà Hồng đang khóc, nó nói:
“Hoàn cảnh của dì cũng tội nghiệp quá há.”
“Cháu không cần phải an ủi dì. Cháu phải lo cho cháu mới đúng.”
“Cháu đâu biết lo cái gì. Ngoài việc học, buổi sáng cháu giao báo, buổi chiều, cháu đón xe đến tiệm giặt giúp ba cháu quét dọn rồi ba và cháu về một lượt, có khi tới 11 giờ đêm mới ăn cơm tối. Dì cháu thường la lối um sùm, những lúc như vậy ba cháu ngồi lặng lẽ không nói lời nào. Cháu nghĩ ba buồn lắm, có lúc mệt ổng ngồi thừ người không ăn, chỉ mình cháu ăn cơm thôi.”
Bà Hồng chép miệng, mò tay vào túi áo đưa cho Tòng tấm danh thiếp:
“Đây là số điện thoại của dì, khi cần cháu cứ gọi cho dì đừng ngại ngùng chi hết.”
“Mỗi sáng cháu đều gặp dì thì cần gì phải gọi.”
“Ừ nhỉ. Nhưng biết đâu lúc cháu muốn gặp dì không phải là lúc giao báo.”
Tòng cám ơn bà Hồng rồi từ giã ra về cho kịp giờ đi học, bà Hồng hôn lên tóc Tòng, đoạn bước vào nhà.
Bên ngoài trời sáng hẳn, ánh nắng ban mai chan hòa rọi vào cửa sổ phòng khách một vùng như tấm gương to. Bà Hồng chép miệng, nghĩ mà thương thằng bé con nhà ai sớm vất vả. Hình ảnh Tòng và những câu nói vừa qua làm đêm hôm đó bà Hồng rất khó ngủ, bà cũng không hiểu tại sao mỗi lần gặp Tòng là lòng bà dễ chịu. Cho nên nếu mà báo giao mỗi ngày hai lần bà cũng đặt mua, với điều kiện là người giao báo phải là Tòng.

Bà Hồng đã nhận lãnh một gia tài to tát của người chồng ngoại quốc để lại. Ông Bob Jefferson qua đời đầu tháng 9 năm 1983 trong một tai nạn cùng 268 người khác do hỏa tiễn Liên Xô bắn lên khi chuyến bay dân sự KAL 007 bay gần không phận nước nầy. Bà Hồng rất thư thả về tài chánh, bà thường dùng tiền cúng dường để tu bổ chùa chiền, nhà thờ và giúp đỡ người nghèo qua các cơ quan từ thiện.
Từ ngày ông Bob Jefferson mất, bà Hồng chưa bao giờ nghĩ đến việc tái giá. Có những đêm bà cảm thấy vô cùng cô đơn, nhưng đã bao lần mất mát bà Hồng quyết định ở vậy không lấy chồng.
Hai hôm nay không thấy Tòng giao báo, bà Hồng bỗng thấy như thiếu vắng một cái gì. À đúng rồi, ở Tòng, khi cười miệng nó rất giống người chồng Việt của bà trước kia. Đứa trẻ người Mễ giao báo đến, bà hỏi thăm thì được biết Tòng đang bị bệnh. Bà Hồng hỏi thăm điện thoại, không hiểu động lực nào khiến bà Hồng không chờ được lâu bà quay số, nói hơi ngập ngừng:
“A...A lô! A lô, vui lòng cho tôi nói chuyện với cháu Tòng.”
Bên kia đầu dây tiếng người đàn ông:
“Thưa chị, Tòng nó bị sốt, có lẽ nó không nói được.”
“Cháu nó có hề gì không ông?”
“Hôm kia bị lạnh nên nó cảm, chắc vài ngày sẽ khỏi. Dạ thưa chị, có lẽ chị làm ở tòa báo Suntimes?”
“Thưa không! Tôi chỉ là độc giả. Cháu Tòng thường đưa báo tới nhà tôi.”
“Ủa! Té ra bà là...
“Là Hồng ạ.”
“Chào bà. Nghe Tòng kể lại bà tốt với nó quá. Bà thương nó, nó quý bà lắm.”
“Thưa! Ông khéo dạy con, cháu Tòng lễ phép và dễ thương, có thể nào ông cho tôi biết địa chỉ để ngày mai tôi tới thăm nó được không?”
Ông A cảm động:
“Dạ.. dạ được, nhưng nhà chúng tôi đơn sơ mong bà đừng chê.”
“Đồng hương với nhau xin ông đừng nói vậy.”
Đoạn ông A đọc số nhà và tên đường cho bà Hồng ghi, bà nói:
“Cám ơn ông.”
“Không có gì.”
“Chào ba.”

Sau một đêm dài khó ngủ, cảnh di tản hỗn loạn của năm bảy lăm cứ chập chờn đến rồi đi trong đầu óc bà Hồng. Hình ảnh những người lính ở tiền đồn tháo chạy về tìm kiếm vợ con. Cấp chỉ huy họ bây giờ ở đâu? Họ đâu có ngờ rằng cấp chỉ huy của họ đã cao bay xa chạy.
Sau một hồi loanh quanh, bà Hồng đã tìm được nha. Bà Hồng xách một giỏ trái cây, một cái áo T-shirt, một chiếc quần short đem đến thăm Tòng. Bà đưa tay bấm chuông, ông A ra mở cửa, nghe dì Hồng đến, Tòng chồm dậy, mặt nó còn xanh xao. Bà Hồng đến giường đưa tay sờ lên trán Tòng, nó nói bâng quơ:
“Con đã bớt nóng rồi.”
“Ừ, con bớt bệnh, dì mừng lắm.”
Ba Tòng đi rót nước mời khách. Dì ghẻ Tòng còn ngủ chưa dậy. Đã mười giơ, ánh nắng buổi mai chiếu vào phòng khách sáng trưng. Bà Hồng nhìn vào những bức hình treo trên tường. Cảnh vịnh Hạ Long nên thơ, cảnh chùa Thiên Mụ cổ kính, cảnh chợ Bến Thành tấp nập với đầy dẫy hàng trái cây, kẻ đi bộ người đi xe đạp dập dìu. Ba bức tranh tượng trưng cho ba miền đất nước thân yêu. Dòng tư tưởng bà Hồng đang chạy ngược về vùng thời gian quá khứ. Quê hương mình giờ đây ra sao. Đã bao năm lăn lộn quê người, đau khổ đã làm bà Hồng già dặn và từng trải hơn. Bà Hồng quay về thực tại khi nghe tiếng động của người đàn bà từ phòng ngủ bước ra mà bà Hồng đoán là dì ghẻ Tòng. Hình như không để ý đến sự hiện diện của người khách lạ, dì ghẻ Tòng lên tiếng, giọng Bắc Hà Tĩnh:
“Thằng Tòng bớt bệnh chưa, nấy cái máy ra hút bụi đi.”
Tòng nằm lại xuống giường. Tiếng động làm dì ghẻ Tòng đưa mắt về phía nó đang nằm thì bắt gặp người đàn bà lạ đang ngồi cạnh. Dì ghẻ Tòng khó chịu vì sự có mặt đột ngột của người khách. Dì ghẻ Tòng thốt:
“Bà quen với bố nhà cháu à?”
Bà Hồng đáp:
“Dạ! Chào chị, tôi chỉ quen với cháu Tòng, nghe nó cảm tôi đến thăm.”
Chưa kịp rửa mặt súc miệng gì cả, dì ghẻ Tòng lên giọng.
“Thằng Tòng thật có phước, gặp gia đình lào khác, ló đâu có được xung xướng như ở đây.”
Bà Hồng nhíu mày phân vân – gặp gia đình nào khác nghĩa là thế nào –. Dì ghẻ Tòng nói một mình:
“Ăn đi học không mà cũng bệnh hoạn đủ chuyện.”
Câu nói thật buồn cười. Nếu đi học mà không bệnh thì thế gian nầy chỉ cần thầy giáo chứ cần chi thầy thuốc.
Tòng thản nhiên là bởi vì hàng ngày nó nghe quen tai bao nhiêu lời cộc cằn đại khái kiểu đó rồi. Cha nó còn chịu không nổi. Bà Hồng nãy giờ vẫn im lặng, giờ lên tiếng:
“Cháu nó còn nhỏ dại phải theo ba và cần sự săn sóc của chị nữa chớ:
“Ai nà ba ló, khi không đem ló về luôi, một mình no ăn không lổi, còn phải no trốn tránh chính quyền. Vượt biên cũng phải đem ló theo chứ chẳng biết bỏ ló cho ai. May mà đi trót nọt, nếu không phải ở tù vì đèo bòng đứa con không phải nà máu mủ của mình.”
Dì ghẻ Tòng cứ thao thao, nói không chủ từ, làm như khi dẫn Tòng vượt biên là đã có công bà ấy trong đó rồi.
Nghe thế Tòng sửng sốt, vậy mà từ hồi nào đến giờ nó cứ tưởng nó là con ruột của ba nó.
Bà Hồng thoáng khó chịu khi nghe dì ghẻ Tòng kể lể. Vừa lúc đó ba Tòng cũng vừa lấy nước từ nhà bếp đi lên nghe như vậy, quá bực mình vì từ lâu ông vẫn giấu Tòng, sợ nó buồn. Đặt ly trà xuống bàn, ông đến bên Tòng.
“Dì con nói chơi đó. Con là con ruột của ba mà.
Đọc được một phần sự thật, Tòng quả quyết:
“Không! Ba giấu con. Ba không sinh con mà ba nuôi con. Con thương ba lắm, nhưng con muốn biết làm sao ba có con.
Bà Hồng ngồi bất động. Ông A kể:
“Thôi được, giờ đây ba cũng không muốn giấu chi con. Ba dự định chừng con lớn ba mới kể lại cho con nghe. Mười năm về trước khi ba tản hàng từ Vùng I, thấy đồng bào nhào lên xà lan mình cũng nhào theo lên. Xà lan được một chiếc tàu kéo từ Đà Nẵng vào tới Nha Trang thì lại gặp chiếc tàu lớn cho phép xà lan cập vào để vớt người. Ba cứ tưởng độc thân cứ từ từ để cho đàn bà và trẻ con lên trước. Khi một người đàn bà lớ quớ muốn bước qua cầu thang nhưng kẹt đứa nhỏ. Ba ngỏ lời ẵm hộ đứa bé lên sau. Không ngờ sau khi người đàn bà qua cầu thang thì chiếc tàu tách rời và nhổ neo vì được tin T54 của VC đặt súng bắn ra tàu. Ba định liệng con qua cho mẹ con nhưng sợ rơi xuống nước. Cứ ẵm trên tay mong tàu cập lại. Nhưng sau đó tàu hụ một tiếng còi dài rồi nhả khói đi luôn, sau đó ba tìm cách vào bờ. Là ngụy quân, không trình diện, ba phải trốn chui trốn nhủi với đứa con không biết của ai và lúc ấy ba đặt đại tên cho con là Tòng. Tòng nghĩa là theo, ba khoái tên đó ai cũng bảo con là con ruột của ba, đi đâu ba cũng dẫn con đi. Ba dẫn vào Vũng Tàu làm biển và tìm cách vượt biên. Qua Mỹ ba gặp dì con rồi chung sống đến ngày nay. Đó là lúc loạn lạc nên nhiều hoàn cảnh sinh ly, bạn của ba cũng ôm giùm một bé gái, bây giờ cũng đang nuôi nó mà không hề biết cha mẹ nó là ai.”
Bà Hồng nghe ông A kể động lòng trắc ẩn. Bà cố nhìn ông A như muốn khơi lại trí nhớ, nhưng không sao hình dung nỗi người mà bà đã gởi đứa con, dù câu chuyện lại giống hoàn cảnh của bà. Tuy nhiên khi loạn lạc, tử biệt, sinh ly là điều tất nhiên, biết bao chuyện trùng hợp trên cõi đời nầy.
Tòng ngậm ngùi cho thân phận mình nằm thút thít. Bà Hồng vỗ nhẹ bàn tay trên vai nó như thông cảm hoàn cảnh mồ côi của thằng bé. Tâm cảnh tác động, Bà Hồng buộc miệng:
“Hiện tại tôi không có con. Hay là ông bà cho phép tôi được nuôi cháu Tòng thay thế ông bà?”
Dì ghẻ Tòng vọt miệng kể công:
“Bây giờ thằng Tòng đã nớn, luôi ló mười mấy lăm lay, nhà tôi đang trông cậy vào ló, lào giúp ngoài tiệm giặt, lào giữ em. Không được đâu!”
Lúc nãy, dì ghẻ Tòng bảo ăn ở không, bây giờ bảo cái gì cũng nhờ nó, câu nói tương phản nhau như thế đã để lộ cho bà Hồng nhìn được sự khốn đốn của thằng bé mới lớn dưới mắt dì ghẻ. Ông A khó chịu:
“Mình nói gì kỳ vậy. Bà Hồng đây có ý tốt với mình.”
“Bộ ý ông muốn lói tôi nà người xấu ư. Xấu mà tôi luôi ló cho đến chừng lầy.
Giọng Bắc kỳ khi trịch thượng nghe đanh đá không chịu nổi. Bà Hồng nhỏ nhẹ:
“Nếu tôi được nuôi cháu Tòng, tôi sẽ cho nó ăn học đến nơi đến chốn. Tuyệt đối không cho nó phải làm việc gì cả, anh chị đừng ngại”
Tưởng nói vậy sẽ làm tình thế khác đi, không ngờ chạm đến dì ghẻ Tòng, bà có sợ Tòng làm việc nặng đâu; bà chỉ nghĩ đến việc mất đi một người giúp việc nhà, bà trề môi.
“Tôi biết bà giàu, nhưng bà đừng ỷ của mà hiếp người.”
Bà Hồng nổi giận, muốn đứng dậy chửi vào mặt con đàn bà thô lỗ rồi bước ra cửa, nhưng bà dằn cơn giận vì không hiểu sao bà quá mến Tòng. Bà Hồng lấy bình tĩnh trả lời”
“Thưa chị. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình giàu. Chưa bao giờ ỷ của và hiếp đáp ai. Tôi chỉ tha thiết muốn có đứa con. Nếu anh chị để cháu Tòng ở với tôi, tôi sẽ hoàn lại anh chị một số hiện kim tương xứng với công lao anh chị.”
Ông A rất phấn khởi, không phải ông ham tiền, nhưng nhân cơ hội nầy ông muốn Tòng được có một cuộc sống thoải mái bên người mẹ nuôi hơn là ở với sự sai khiến, hành hạ của vợ ông. Thà ông vất vả hơn chứ ông không muốn Tòng cực khổ. Nhưng trong một phút rất nhanh, ông lại thoáng buồn ngay vì xa Tòng ông A sẽ nhớ vô cùng. Dù không phải là con ruột nhưng ông đã nuôi nấng từ nhỏ. Nhớ khi mới đem về, Tòng chỉ nói bập bẹ, nó khóc mãi vì thiếu đi tình mẹ. May thay, mẹ ông đã giúp một tay để nuôi nấng Tòng trong hoàn cảnh khó khăn. Thằng bé tội nghiệp; nó đã nuốt từng miếng khoai mì đâm nhuyễn như món cố hữu hàng ngày. Đôi khi ông thấy Tòng nhai một cách cực nhọc mà lòng quặn lên như chính núm ruột của mình. Nghĩ đến đấy, cổ họng ông A nghèn nghẹn như có vật gì vướng ở đấy, ông tiếp lời bà Hồng:
“Nếu vậy thì có phúc cho thằng Tòng nhà tui. Chị đừng nghĩ gì về tiền bạc cả.”
Sau giây phút đắng đo, giọng vợ A đổi khác, bà nghĩ đổi đi một thằng ranh con mà kiếm được chút tiền thì sướng lắm. Bà dịu giọng:
“Ông lói vậy xao được, mình luôi ló đến chừng lày mà.”
Cùng lúc đó vợ A nhìn sang bà Hồng hỏi:
“Chị tính cho nhà cháu bao nhiêu?”
Ông A bực tức, không nhịn nổi đập mạnh tay nắm xuống bàn, nạt vợ:
“Im đi! Tiền...tiền...tiền...Bà nghe tiền là con mắt sáng rỡ.”
Vợ A tự ái bỏ vào trong đóng cửa buồng nghe cái rầm.
Bà Hồng hối hận:
“Xin lỗi anh chị, tôi thành thật xin lỗi anh chị. Nếu vì tôi mà để nhà anh chị có chuyện rầy rà nhau thật là bất phải. Tôi rút lại ý định nuôi cháu Tòng cho đến khi nào anh chị vui vẻ với nhau.”
Ông A nghe bà Hồng nói thế lòng ông chợt nổi lên hai nguồn tư tưởng đối chọi nhau: Ừ như thế cũng được, ông không phải xa Tòng, xa một tình thương đến với ông cả chục năm nay. Nhưng cũng cùng lúc ấy, những lời nói và hành động của vợ ông đối với Tòng chợt thoáng lên trong trí ông rất nhanh khiến buộc miệng nói hạ giọng như sợ vợ ông nghe thấy:
“Riêng tôi, vì tương lai của thằng Tòng nên tôi dứt khoát cho nó ở với chị. Nhà tôi chắc cũng đồng ý thôi, chị vui lòng kiên nhẫn để chúng tôi quyết định.”
Để ông A có cơ sở thuyết phục vợ, bà Hồng đưa ngay một con số:
“Nếu được thế, tôi xin gửi anh chị hai chục nghìn đồng, gọi là đa tạ lòng tốt của anh chị.”
Bà Hồng đang đợi sự đồng ý của vợ chồng ông bà A. Lúc nầy ông A thật khó xử, không lấy tiền thì vợ sẽ cằn nhằn suốt đời, mà lấy tiền thì xấu hỗ với bà Hồng, với lương tâm. Cuối cùng ông chọn một rồi vô phòng nói gì đó với bà A, dễ chừng cũng đến vài mươi phút, hai người cùng đi ra.
Bà Hồng lặp lại câu nói khi nãy, nhưng tăng số tiền lên gấp đôi cốt cho bà A ham mà quyết định.
“Nếu anh chị cho tôi nuôi cháu Tòng, tôi sẽ gởi lại anh chị bốn chục ngàn và chi phí luật sư tôi chịu hết.”
Vừa nói bà Hồng vừa lấy quyển chi phiếu đặt lên bàn cạnh ly trà đã nguội từ lâu. Bà nhìn ông A rồi nhìn qua bà A như cầu khẩn. Dì ghẻ Tòng nhanh nhẩu.
“Chị ghi tên tôi đi.”
Ông A ngắt ngang:
“Khoan đã. Chị cho chúng tôi chút đỉnh thôi, còn để lại cho thằng Tòng.”
“Thú thật với anh chị, bấy nhiêu cũng chưa đủ đền đáp được công lao của anh chị bao nhiêu năm qua.”
Bà Hồng đặt bút ký tên và ghi số tiền, phần trả cho ai bà Hồng để trống rồi trao cho bà A tấm chi phiếu. Ông A đành chỉ biết lắc đầu, chép miệng. Hai hàng nước mắt ứa ra.

Bà Hồng rời ghế, đặt mông qua ngồi bên giường Tòng đang nằm. Tòng ngồi phắt dậy ngả vào lòng bà Hồng. Mẩu đối thoại giữa dì Hồng và cha mẹ của nó, nó đã nghe rõ cả. Bà chờm qua giỏ xách, lấy chiếc ao thun đưa cho Tòng. Thằng bé hân hoan đón lấy. Tiện đó nó xoay người hướng khác, tuộc chiếc áo đang mặt, tròng chiếc áo mới vào. Một cái bớt tím bằng nửa bàn tay sau lưng ngay cạp quần đập vào mắt bà Hồng, toàn thân bà run rẩy, cổ họng nghẹn cứng, dòng nước mắt tự dưng trào ra, đôi môi mấp máy như người trúng gió.
Một lát sau bà Hồng khóc thành tiếng. Trời ơi! Có thể nào đây là đứa con thất lạc của bà. Có thể nào bao nhiêu năm nay hòn máu ấy ở cạnh bên bà mà bà không hề hay biết. Bà Hồng đưa mắt về phía ông A, nói trong nỗi nghen ngào:
“Chắc anh thấy cháu có cái bớt phía sau lưng?”
“Dạ, khi nhỏ, tắm cho nó tôi đã thấy rồi, nhưng có liên hệ gì không chị?”
Bà Hồng móc bóp, lôi ra tấm hình trắng đen nhỏ xíu đưa cho ông A. Tấm hình chụp phía sau khi đứa bé còn mang tả vải. Đến lượt ông A xúc động thốt:
“Quả là nó đây rồi, như vậy là Trời Phật đã xuôi cho mẹ con chị trùng phùng.”
Bà A ngồi như trời trồng, hình như một động lực nào nó đã khiến bà thay đổi thái độ, bà A nói:
“Lếu thằng Tòng đúng nà con chị thì chúng tôi phải trả về cho chị, chỉ có chị mới có quyền thiêng niêng ấy.”
Vừa nói, bà A cầm tấm chi phiếu lên xé vụn trước nỗi kinh ngạc của ông A và bà Hồng. Đặc biệt là ông A, hành động của vợ đã thay đổi tư duy của ông: Một con người ông cho là bủn xỉn có khi cũng rất quảng đại.
Trước nỗi vui mừng đoàn tụ. Bà A lên tiếng:
“Để kỷ niệm ngày hôm lay, chị phải đãi gia đình tôi một chầu đấy”
Ông A vỗ tay phụ họa:
“Phải rồi, ý kiến nhà tôi rất hay, một bữa tiệc thì đúng hơn phải không chị Hồng?”
“Tôi còn đang nghĩ chưa biết làm thế nào để mà tạ hơn anh chị, cần gì chỉ một bữa tiệc.”
Ông A đề nghị:
“Hôm này là mồng hai, tháng bảy âm, chỉ còn khoảng hai tuần nữa là đến lễ Vu Lan. Nhà chùa đang vận động xây chánh điện, chị có thể giúp một tay, đó là một lối trả công cho chúng tôi.”
Mắt bà Hồng sáng lên, cử chỉ cao đẹp của một con người đang hiện rõ nét. Niềm vui sướng vô biên của người mẹ gặp lại con mình.
Bốn con người đang theo đuổi bốn ý nghĩ khác nhau, riêng Tòng nó chỉ biết từ nay trong mỗi dịp Lễ Vu Lan, trên ngực áo nó sẽ không còn đeo chiếc bông hồng màu trắng nữa, dòng nước mắt sung sướng ứa ra.ª

Thủy Lâm Synh
July 2. 1990


Tubet
Lá Mít
Lá Mít
 
Tiền: $416
Posts: 16
Joined: 18 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Tubet từ: YaHuy, tieubao1

Return to Truyện Đọc ( E-Book )



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 38 guests