Nỗi lòng - Thủy Lâm Synh - Truyện xã hội

Moderator: Doan Du

Nỗi lòng - Thủy Lâm Synh - Truyện xã hội

Postby Tubet » 27 Aug 2011

NỖI LÒNG
Truyện ngắn xã hội
Thủy Lâm Synh

Tin ông già Luân làm trong chợ Thuận Đạt chết vì nghẹt van tim hôm thứ năm không làm ai ngạc nhiên. Trái tim “lỗi nhịp” của ông đã năm lần bảy lượt trục trặc. Bệnh viện Fountain Valley là nơi ông đi đi về về như đi chợ. Lần nầy ông Luân một đi không trở lại. Hôm qua mấy người làm chung chợ rủ nhau đến nhà quàn Westminster Memorial Park để đốt cho ông một nén nhang gọi là chút tình đồng sở và cũng để nhìn gương mặt khó chịu của ông già Luân lần cuối cùng. Thực tình, ông già Luân không khó chịu lắm đâu. Tính ông trầm tư, ít giao tiếp nên ai cũng nghĩ ông khó chịu. Có người biết chuyện thì bảo rằng ông già Luân có một nỗi lòng. Có thể lắm...Ông đã chẳng tâm sự với anh Hạnh làm bên hàng cá đó sao:
- Đời tui không đáng sống, anh thấy đó, tim tui nó muốn đập hồi nào nó đập, muốn ngưng hồi nào nó ngưng. Mỗi khi trời chuyển, cơn suyển cũng vùng lên tấn công cái phổi của tôi một cách tàn nhẫn. Nhưng những thứ đó chưa thấm vào đâu; sự ân hận và lòng hỗ thẹn gặm nhấm hết tự hào của tôi nên cũng muốn nhắm mắt xuôi tay cho xong cuộc đời nầy.
Việc gì quan trọng đến nỗi ông Luân nghĩ đến cái chết để giải thoát?
Anh Hạnh an ủi:
- Hơi đâu bác lo, giày dép còn có số, hết số thì đi theo ông bà chớ có lôi kéo gì được. Cháu thấy bác hiền như bụt, khi đến số, chắc trời phật sẽ rước bác đi nhẹ nhàng...đừng lo.

Hôm nay thì ai đó rước ông đi thật rồi, ông Luân nằm đó, trong chiếc quan tài rẻ tiền màu gỗ đậm, trên nắp quan phần dưới chân để một lẳng hoa loại tương đối nhẹ tiền - lá nhiều hoa ít. Một phần ba nắp quan tài trở lên đầu có bản lề, giở lên cho người ta thăm viếng. Ông già Luân nằm nhắm mắt như ngủ, gương mặt khắc khổ cố hữu còn đó. Một hình hài mà ngày mai đây sẽ không bao giờ gặp lại, dư âm nếu còn cũng chỉ trong vòng thân thích.

Trong căn phòng rộng hình chữ nhật như lớp học, không có cửa sổ, hai bàn thờ dã chiến được thiết trí trước quan tài ba bốn thước tây. Bên trái là bàn thờ Phật, có ảnh Phật A Di Đà, bên phải là bàn thờ vong có tấm ảnh 8x10 của ông Nguyễn Luân. Nhìn trong ảnh thấy ông Luân còn rất trẻ, có lẽ hình chụp từ lâu lắm rồi. Đến giờ làm lễ phát tang, thầy Huệ Đạt đứng cạnh bàn thờ, năm sáu người trong ban hộ niệm chùa Phổ Quang đứng hai bên, trên tay mỗi vị có một quyển kinh mỏng "Nghi Thức Cúng Vong" bìa vàng. Thầy Huệ Đạt đưa tay gõ ba tiếng chuông, thầy nói hơi kéo dài ra một tí.
- Mời tang quyến tề tựu.
Thật ra tang quyến đã tề tựu rồi. Mọi người mặc quần áo đen, đứng trang nghiêm chấp tay trịnh trọng ngang ngực, chờ đến giờ hành lễ. Chị Đào - vợ Phan rưng rưng nước mắt, hai môi mím vào nhau để khỏi bậc ra tiếng khóc. Chị tiếc thương người cha chồng đã chia xẻ hoàn cảnh khó khăn tột cùng của chị trong suốt quãng thời gian chồng chị đi tù.
- À mà ông Nguyễn Phan đâu? Đám tang của cha sao ông vắng mặt - Có tiếng ai đó nói thế.
Trong đám người đến thăm, lại có tiếng xầm xì:
- Sáng nay còn thấy ông ấy cầm cờ chống văn nô, văn công gì đó trước Lee’s Sandwich kia mà.
- Ừ nghe nói ông đó chống cộng ghê lắm. Khi trước thấy im rơ, sao mấy năm lại đây, ông hăng tiết dữ quá. Hôm coi Fashion Show ở Las Vegas, mấy người rủ đi ăn khuya ở cái quán burger Carl’s Jr. gì đó trước khi về lại Cali. Thương hiệu của nó là sao vàng có viền đỏ, trong ngôi sao lại có cái mặt "happiness man", ông nhất định nhịn đói chớ không chịu vào ăn. Ông còn chửi đồ thân cọng, có thể quán người ta có trước khi cọng sản thành hình!
Người khác chen vào:
- Trong khu Bolsa nầy ai cũng biết đến tên ông Phan nhờ những hô hào gọi điện thoại bà con thức khuya dậy sớm đi biểu tình. Ông là một gương mặt tiên phong, cầm biểu ngữ đi đầu, nhất là việc chính chị, chính em ông luôn năng nổ hết cỡ.
Từ hàng ghế sau, một ông khác chồm người tới nói:
- Nghe nói ông Phan muốn gây tiếng vang để nay mai ra tranh ghế nghị viên thành phố thay cho ông gì uống rượu lái xe bị cảnh sát bắt giam.

Tiếng bàn tán vẫn còn, nghi thức phát tang trước bàn vong gần xong thì ông Nguyễn Phan mới lù lù xuất hiện. Nguyễn Phan cúi đầu chào thầy Huệ Đạt, xoay lại gập người xá chào tất cả thân bằng quyến thuộc đang ngồi trên những chiếc ghế dài trong sảnh đường. Mọi người trong tang quyến đã quấn khăn trắng, chị Đào đưa tay quệt nước mắt, Nguyễn Phan quay sang ra vẻ khó chịu. Thầy Huệ Đạt nghiêng mình lấy chiếc khăn tang còn lại trên khay nhựa đưa cho Nguyễn Phan như nhắc nhở còn chiếc khăn dành cho ông nhưng ông xòe bàn tay chận lại từ chối, cử chỉ đó làm mọi người thêm một ngạc nhiên nữa.

Sau đám tang ông già Luân, dư luận tiếp tục bàn tán về việc ông Nguyễn Phan từ chối để tang cho cha. Nhiều người lắm chuyện cứ dựa vào đó vẽ lên đủ thứ điều. Có người thì cho rằng ông Nguyễn Luân là cán bộ VC nằm vùng nên ông Nguyễn Phan muốn chứng minh mình trong hàng ngũ tỵ nạn để khi tranh cử không có ai gièm pha. Có người tin chắc như đinh rằng ông Nguyễn Luân không thể nào là cha ruột ông Phan vì nghe đồn ông Phan nhận 20 ngàn đô để đưa ông già hàng xóm qua Mỹ…? Người Việt mình có cái bệnh đoán mò; cứ tạo nên câu chuyện có thể thuyết phục chút đỉnh rồi đồn ra như thật. Khi biết chắc cả làng đều biết thì lại dặn "không được cho ai hay." Theo người biết rõ chuyện; ông Nguyễn Phan không để tang cho cha của ông khởi đi từ một nỗi lòng, phải lùi lại thời gian mới thấy được.

Nguyễn Phan là một trung úy Chiến Tranh Chính Trị trước năm 1975. Cũng như phần lớn sĩ quan của chế độ VNCH, anh bị liệng vào tù. Sau tám năm gian nan với trăm ngàn nhục nhằn cay đắng. Năm 1983, được giấy mãn tù, Phan sung sướng khi hình dung ra sự mừng rỡ của vợ, hai con và ba của anh; nhất là khi trốn trại bị bắn xuyên qua phổi mà anh vẫn còn sống.

Phan đón xe về Sài gòn. Mấy ngày đường từ bắc vô nam, Phan không thấy chút gì mệt mỏi, lòng anh phơi phới như trang giấy học trò, vạn vật chung quanh bừng sống dậy như chúng cũng trải nghiệm cái khổ và sự hồi sinh của anh.
Vô tới cửa, Phan reo lên:
- Ba! con về rồi nè!
Ông Nguyễn Luân há mồm kinh ngạc, nước mắt đầm đìa, nói trong mếu máo:
- Sao họ gởi giấy về nói mầy đã chết rồi? Kia kìa bàn thờ của mầy đó.
- Chuyện dài lắm, để thư thả con kể cho ba nghe. Hai đứa nhỏ và Đào đâu rồi ba?
- Thằng Hãn, con Hữu đi học, còn vợ mầy nó mới đâu đó.
Hai cha con gặp lại nhau sau tám năm xa cách, mừng mừng, tủi tủi, hỏi qua, hỏi lại lung tung, chẳng biết bắt đầu từ chuyện nào. Đào xách tô bánh canh trong túi nylon đi vào sân, tay ẳm thằng bé. Phan thoáng thấy bóng vợ, chạy ra sân ôm chầm lấy:
- Đào! anh về đây nè.
Tới lượt Đào há mồm chết lặng, buông rơi túi bánh canh, nó vỡ ra nước văng tung tóe. Một lát sau, nàng vừa khóc, vừa chạy thẳng vào trong nhà. Phan chạy theo, tiếng Đào nghẹn ngào:
- Trời ơi, vậy mà được tin anh vượt trốn bị bắn chết rồi.
Phan suýt soa:
- Ừ cũng có nhưng anh chỉ bị thương và còn sống, nay về với em đây.
- Sao anh không nhắn tin về:
- Anh có nhắn, nhưng thấy sức khỏe của mình lúc đó kiệt quệ quá anh nghĩ không thể sống nên anh phải nói đã chết để nhà ta khỏi lo.
Đào giậm chân, khóc nức nở, đập túi bụi vào người Phan:
- Anh là một con người tàn nhẫn, anh khốn nạn lắm.
Nguyễn Phan dỗ dành, Đào ngồi phệt xuống đất bưng mặt khóc. Phan quỳ xuống ôm vai vợ mà lòng rạo rực như muốn đè nàng ra để mà tạ tội. Đứa nhỏ ngồi cạnh thấy người lạ khóc ré lên, khiến Phan cụt hứng đứng dậy, bước lên nhà trên. Phan hỏi ba:
- Đào nó giữ con cho ai vậy ba?
Ông Luân thoáng lúng túng, đáp ú ớ:
- Nghe mầy chết, tao sợ giữ nó lại đây tội nghiệp nên gã chồng cho nó.
Phan hét lên:
- Cái gì. Đào lấy chồng khác rồi à?
Phan lao lại xuống nhà bếp. Đào bế đứa nhỏ vào lòng, tóc tai rối bù, nước mắt, nước mũi nhòe nhoặt. Phan hỏi gì Đào cũng làm thinh, cũng có thể một nỗi lòng mà trong lúc đột ngột nàng chẳng biết giải thích ra sao.

Nỗi mừng đoàn viên tắt lịm, bẽ bàng trước cảnh ngộ, Nguyễn Phan xô mạnh chiếc ghế của bàn ăn rồi bỏ nhà đi lang thang. Xã hội đang bạc đãi, hoàn cảnh chưa thích nghi, kinh tế thời bao cấp đẩy Phan xuống tận cùng khốn khó về vật chất, tinh thần thì như kẻ điên. Phan tìm đến tá túc nhà Hùng - một người bạn cũ ở gần chợ ông Tạ. Phan mướn một xích lô để đạp lòng vòng kiếm tiền độ nhật. Anh không ngờ tôn ti trật tự đảo lộn, cuộc sống hầu như băng hoại hoàn toàn sau cuộc đổi đời. Tại nhà bạn, anh va chạm nhiều thực tế, nhiều hoàn cảnh éo le hơn hoàn cảnh của mình, tận mắt chứng kiến người vô ra nhà Hùng. Nguyễn Phan ái ngại hỏi bạn:
- Ê, tao thấy có cái gì không bình thường phải hông mầy?
Hùng nhún vai nói nhỏ vào tai Phan:
- Vợ tao đi khách.
Phan nhăn mặt:
- Mầy chịu được à.
- Không chịu thì uống nước lạnh để sống sao? Đó là một sự hi sinh cao cả mà tao phải biết ơn vợ tao suốt đời. Nàng là vị cứu tinh của gia đình trong lúc nầy đó mầy!

Nguyễn Phan chợt nghĩ đến hoàn cảnh Đào, chắc cũng như vợ bạn...Phan nghe đắng chát trong miệng. Chàng nhớ lời Hùng "Nàng là vị cứu tinh của gia đình tao đó mầy!". Phan liên tưởng đến cảnh khổ tâm của vợ anh khi phải nuôi nấng hai đứa con và người cha trong lúc anh ở tù. Phan quay về lại nhà cũ, vợ Phan đau khổ không giải thích nhiều về gốc gác và nguyên nhân cho sự hiện diện thêm một thành viên mới trong gia đình, chỉ có ông Nguyễn Luân – cha Phan kêu gọi con trai tha thứ cho nỗi khổ tâm của người con dâu để làm lại cuộc đời.

Thời gian trôi khi nhanh khi chậm. Kinh tế gia đình dần dần ra khỏi khó khăn. Như nhiều sĩ quan bị tù quá ba năm khác, Nguyễn Phan đi định cư tại Mỹ năm 1996 theo diện HO. Năm 2003, Phan bảo lãnh ông Nguyễn Luân qua đoàn tụ. Ông Nguyễn Luân không muốn tạo gánh nặng lên con, dâu nên dù lớn tuổi vẫn muốn đi làm, ông làm trong chợ Thuận Đạt. Chủ trả lương cao hơn ông không chịu, chỉ yêu cầu sao nằm trong khoản low income để có thẻ khám bệnh. Cuộc sống gia đình Nguyễn Phan được coi là hạnh phúc sau những bước đầu khó khăn và quá khứ khúc mắc cũng dần phôi phai. Phan không hề nhắc lại chuyện xưa. Thằng bé ngoại hôn tên Ly là một kỷ niệm chia lìa mà Đào đã đặt cho nó, nay đã hăm mấy tuổi rồi. Cũng may là Đào vẫn gắn bó, nhiều vợ sĩ quan đã phải bỏ lại con thơ cho cha mẹ chồng đi lấy người khác.

Quá khứ như trang tình sử khép lại. Ở nơi đây, không ai biết chuyện anh có một đứa con ngoại hôn. Nhưng ở đời, đôi khi vẫn gặp những điều cắc cớ xảy ra; gia đình Phan đang sống yên ổn tại khu Costa Mesa cách khu chợ Việt Nam chừng 15 phút. Kế bên nhà Phan, cặp vợ chồng người Mỹ trắng bị sát hại không biết lý do. Người chung quanh khai với FBI rằng trước đó mấy ngày con chó của cặp vợ chồng nầy ăn phải thứ gì mà tiêu chảy cùng sân cỏ nhà Phan khiến đôi bên có cãi cọ. Vốn máu kỳ thị sẵn có, FBI yêu cầu nguyên gia đình Nguyễn Phan thử DNA. Chuyện vô can không có gì mà gia đình Nguyễn Phan phải lo, có điều làm cho anh suy nghĩ mãi là tại sao DNA released anh và đứa con ngoại hôn lại có phần trăm cao nhất giống cha của anh. Sau nhiều tháng suy nghĩ, Phan quyết định lấy mẩu tóc của anh và Ly đến phòng lab để nhờ thử lần nữa. Kết quả cho biết bar code anh với đứa con ngoại hôn là anh em ruột. Lòng Nguyễn Phan rối bời, chỉ có vợ anh mới trả lời được thắc mắc nầy mà thôi nhưng hiện tại Đào vắng nhà. Quá nóng lòng muốn biết sự thật Nguyễn Phan lục lọi hết mớ giấy tờ của ba anh để lại. Một tờ giấy úa vàng tuồng chữ viết tay của Đào, làm cho Nguyễn Phan tò mò đọc hết.

"Ba, xin ba đừng mặc cảm, mọi việc do lỗi của con. Ba hãy về nhà, các cháu nhớ nội lắm. Thực tình, trước khi lao mình vào việc nhắm mắt đưa chân lúc cùng đường, con chẳng biết làm gì để tạ lỗi sự thất tiết với vong linh anh Phan nên đã nghĩ ra một việc làm quái đản là dâng hiến cho người cha yêu quý của anh ấy. Việc con vào nằm với ba trong lúc cho ba uống thật say, con cũng uống say để đủ can đảm thực hiện việc nghịch đời. Con cứ nghĩ việc làm ấy là sẽ giúp cho con đỡ cảm thấy tội lỗi với vong linh người chồng đã khuất. Chẳng may hệ lụy của đêm ấy, con bị mang bầu, khiến hoàn cảnh càng cay đắng hơn." Lúc nầy là lúc các cháu đang cần ông nội. Và riêng con sẽ mãi mãi không dám làm phiền ba nữa. Con xin ba quay về.
Đứa con dâu bất xứng.
Trần Thị Đào

Lục lọi tiếp, Phan bắt gặp một mảnh giấy đã rách hết mí theo đường gấp:
nằm trong túi nhựa nhỏ vàng ố:

"Tin cho bác và chị Đào tin buồn, anh Nguyễn Phan trốn trại bị bắn chết ngày 12 tháng 8 năm 1980 tại trại trại tù Yên Bái."
Người nhắn tin. Phạm Văn Tích, Bình Dương"

Ráp nối hai mảnh giấy, Nguyễn Phan đầu óc choáng váng như người vừa hớp ly rượu mạnh. Thảo nào mấy mươi năm còn lại của cuộc đời, ông Nguyễn Luân ôm nỗi ân hận. Đào vợ Phan không nở nổi nụ cười. Và chính Nguyễn Phan cũng thấy mình là đầu dây mối nhợ của mọi việc đã xảy ra . Chính những dòng nhắn tin vô trách nhiệm do Phan tha thiết nhờ Tích viết như thế khi Tích đến thăm anh tại trạm xá Yên Bái trước khi được mãn tù. Không ngờ mảnh giấy nhỏ ấy lại có sức mạnh tác động lớn lên nỗi lòng của nhiều thế hệ dù Nguyễn Phan hứa với lòng rằng sẽ không bao giờ cho Ly - đứa con ngoại hôn biết những uẩn khúc đã được chôn vùi một phần tư thế kỷ. Và sẽ không tìm hiểu gì thêm ở Đào, vết thương lòng năm xưa của nàng cần thời gian lành lại.

Thủy Lâm Synh
Costa Mesa, CA
May 9, 2011
Tubet
Lá Mít
Lá Mít
 
Tiền: $416
Posts: 16
Joined: 18 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Tubet từ: YaHuy, tieubao1

Return to Truyện Đọc ( E-Book )



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 16 guests