Ngôi nhà mới - Thủy Lâm Synh - Truyện kinh dị

Moderator: Doan Du

Ngôi nhà mới - Thủy Lâm Synh - Truyện kinh dị

Postby Tubet » 27 Aug 2011

NGÔI NHÀ MỚI
Truyện kinh dị
Thủy Lâm Synh

Trở lại nhà thờ Armitage Baptist Church trên đường Bloomingdale vào sáng sớm chủ nhật. Đó là ông Phùng Kỷ và cậu con trai cả Phùng Cương. Họ định gặp mục sư Hà An lần nữa để nhờ cố vấn cho một chuyện nan giải. Nhìn hai gương mặt hốc hác, thiểu não như nhà có đại tang, mục sư An cảm ấy ái ngại đến bắt tay, chỉ chiếc ghế bành mời hai người ngồi, ông phân trần:
– Tôi có chút việc của hội thánh phải làm và sẽ trở lại tiếp chuyện hai ông sau.

Ngồi đợi gần nửa giờ đồng hồ mà mục sư An vẫn chưa trở lại. Đầu óc Cương choáng váng nghĩ đến lời nói của người bạn làm cùng sở hai tuần trước “Căn nhà đó không biết lý do gì đổi chủ liên tục”. Tâm tư Cương cũng bị đẩy lùi đến một câu hỏi chưa được giải đáp là: Đã biết vậy, ông Robert Hà, con trai mục sư An, người môi giới địa ốc tại sao cắc cớ giới thiệu ngôi nhà ấy cho cha mình - một gia đình tỵ nạn con đông, khó khăn về tài chánh -. Vả, gia đình Cương cũng do nhà thờ của mục sư An bảo lãnh, họ cho mình không hết, mắc gì lại tạo thêm một hoàn cảnh khó xử.
Tiếng ông Robert Hà nói với cha con Cương vẫn còn bên tai:
– Bác với anh hên lắm, nhà mới lên list vài ngày nay thôi. Phần tôi, tôi sẽ yêu cầu ngân hàng chấp thuận gấp để gia đình bác dọn vào sớm. Cả nhà chen chúc dưới basement của nhà thờ tôi thấy đứt ruột.
Ông Kỷ xoa tay vào nhau, cám ơn ríu rít, còn mời ông Robert Hà đi ăn trưa để tạ ơn; chuyện mà lẽ ra phải ngược lại.

Quả đúng như lời ông Robert Hà nói. Chưa tới bốn mươi lăm ngày, chúng tôi mua được căn nhà. Trong thâm tâm, chúng tôi nghĩ đến công lao tận tụy của cha con ông mục sư Hà An. Có lẽ uy tín của họ đã khiến ngân hàng không ngần ngại cho chúng tôi vay tiền. Và giờ nầy đây chúng tôi đang làm chủ căn nhà trên dưới bảy phòng ngủ. Cũ người mới ta; nhà thật khang trang nằm gần ngã ba trong khu phố mới phát triển.

Má tôi vui mừng không thể tả, bà bảo chúng tôi đưa bà đi chợ để chọn vải xanh nhạt may màn cửa sổ. Ba tôi thì phấn khởi ra mặt, ông loay hoay cả ngày, sơn chỗ nầy, phết chỗ kia. Ông chúa ghét những góc phòng nhện giăng nên lấy chổi quơ đi, dùng khăn ướt lau chùi tất cả những vết dơ trên tường... Chúng tôi dự trù khi có đủ tiền sẽ sơn lại, nhưng ngay bây giờ làm thế để ở là ngon lắm rồi, niềm vui mừng cứ chạy lân lân trong cơ thể chúng tôi như vừa nhấp ly rượu mạnh.
Tại phòng khách rộng thênh thang, ba tôi mua những bức tranh có những cảnh thanh bình treo lên, để quên đi quá khứ chiến tranh mà hơn một phần thế kỷ quê hương chịu đựng. Nhà cửa bài trí hài hòa, biểu tượng cho một gia đình êm ấm, hạnh phúc.
Mới hơn một tháng mà ngoài vườn hoa cẩm chướng, hoa hồng trông đẹp mắt; toàn là những loại đã lớn khi mua về, thêm phân bón “Microgrowth” nước nôi đầy đủ, vườn hoa tươi mát, chiều chiều ra sau vườn lòng người khoan khoái vô kể. Ba tôi mua cỏ lát miếng vườn rộng phía sau vốn um tùm cỏ dại. Cái ống khói lớn quá cỡ trông như xưởng máy thấy kỳ lạ làm sao, nên ba tôi mướn thợ về phá bỏ nó đi.

“Gia đình mình thật may mắn”- Trong bữa ăn ba tôi sung sướng nói như vậy là bởi vì ngôi nhà tốt mà giá lại rẻ. Chúng tôi down 20% còn vay 80%. Dù chưa đủ tín chỉ nhưng thấy trong nhà có tới năm lao động nên ngân hàng chấp thuận cái rụp. Thực tế được sống hạnh phúc, sum vầy như thế nầy cũng nhờ ba tôi; ông ra lệnh cho tất cả chúng tôi không được lấy vợ, hoặc chồng để đi định cư theo diện HO cho dễ. Chuyện bồ bịch của chúng tôi ông cũng cấm tuốt luốt.

Mấy anh em lớn chúng tôi qua đến nơi là kiếm việc đi làm ngay, chỉ có hai đứa em nhỏ còn đang đi học. Có những việc đồng lương rất khiêm nhượng nhưng mấy anh em chúng tôi cũng phải làm để thỏa mãn ước nguyện của ba má chúng tôi: “trẻ cái nhà, già nấm mồ”.

Thực tình mà nói giấc mơ của ba má chúng tôi có vá trời lấp biển chi cho cam. Chỉ vì gia đình đông con vô cùng khó khăn trong việc thuê mướn. Nếu không có nhà thờ mục sư An bảo trợ, cho trú ngụ tạm ở basement thì chẳng biết chỗ nào dung thân cho một gia đình gần tiểu đội lớn bé. Giang sơn chúng tôi thu lại một góc; ban ngày là cái sân chơi bóng rổ, ban đêm chúng tôi khuân nệm ra để trên sàn mà ngủ, vị trí chỗ nào tùy ý. Mỗi đứa ngáy một điệu nên chẳng nằm gần nhau, miễn sao trước tám giờ sáng là phải đâu vào đấy. Cùng ở nhà thờ đó, có một ông mục sư người Mỹ đã từng truyền giáo ở Việt Nam nên có ít nhiều kinh nghiệm mùi mắm kho. Ông bảo mục sư An mua cho gia đình chúng tôi cái lò nấu gas propane loại ngoài trời để má tôi lo việc bếp núc, với sự trợ giúp khiêng ra, khiêng vào của ba tôi. Nhà thờ cẩn thận cho người khóa cái ống dẫn gas vào bếp ở basement vì sợ chúng tôi sử dụng. Buổi tối là bữa ăn chính, chúng tôi mỗi đứa một tô, giải quyết sự đòi hỏi của dạ dày; cơm, canh, thịt, cá đều trộn chung trước thay vì sau khi vào bụng, rồi mỗi đứa tìm một nơi ngồi làm cái công việc đưa thức ăn vào thực quản.

Giờ thì nhà cửa đề huề. Ít có gia đình nào mới qua chưa được hai năm mà mua nhà. Ơn của cha con mục sư An lớn lắm, có lẽ suốt đời gia đình chúng tôi không bao giờ quên. Có thể để đáp lại thịnh tình đó gia đình chúng tôi sẽ nhận lời kêu gọi của mục sư An để trở thành con cái Chúa. Niềm sung sướng tột cùng cứ dâng lên trong lòng mỗi thành viên trong gia đình. Nhớ lại lúc các đứa nhỏ rần rật chạy giành phòng. So bì, phàn nàn, hí hửng đủ trò ồn như cái chợ. Ba tôi như Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn các sứ quân, cho bắt thăm, mới giải quyết được cảnh ồn ào. Sắm giường nằm cho tụi nó cũng mất toi ngàn đồng, chớ đâu phải ít. Phòng ốc xong xuôi, phòng đứa nào cũng gọn ghẽ sạch sẽ. Nỗi vui mừng toát lên gương mặt từng người.


Nhưng đời không phải lúc nào cũng trơn tru. Niềm vui nhà mới chưa trọn vẹn thì đứa em út của tôi phát bệnh. Nó sốt liên miên, uống thuốc vô thì bớt nhưng khi hết thuốc thì sốt trở lại. Hai cánh tay, mông và lưng nó nổi lên những vết nám như những nạn nhân hỏa hoạn. Đưa em tôi đi bệnh viện, bao nhiêu thí nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, quang tuyến vẫn không tìm ra bệnh gì. Em tôi nằm ở bệnh viện cả tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm. Nhà đâu có tiền trả bệnh viện phí, bao nhiêu cũng lo trả tiền vay ngân hàng. May mà chính phủ còn hứng cho số nợ nhà thương.

Ba tôi bất mãn lắm - một nước tiến bộ về y khoa bậc nhất như Mỹ lại không tìm ra chứng bệnh của em tôi mới là lạ. Các thử nghiệm máu đều cho biết bình thường, nghĩa là em tôi không có bệnh gì cả. Ba má tôi quyết định đưa em tôi về nhà để chạy chữa thuốc Bắc. Chao ôi, thằng nhỏ gầy đét, môi khô, mặt mũi xanh xao, chỉ còn đôi mắt lạc thần nhìn mọi người như cầu cứu. ThuốcTây lụi vô thịt còn dễ, uống thuốc Bắc với nó là một cực hình. Nhìn thấy em tôi giẫy nẩy mỗi lần uống thuốc nhà tôi ai cũng thương. Nhưng thuốc Bắc, thuốc Nam đều không làm cho bệnh em tôi giảm chút nào cả. Nhiều người quen ở Việt Nam khi nghe má tôi kể đều cho là trong nhà có âm hồn. Ba tôi gạt phắt chuyện ấy.
Mỗi lần sốt là tay chân em tôi quờ quạng vào hư không như cố xua đuổi một vật gì, mồm nó cứ nói lung tung, có khi như trả lời hoặc đối thoại với ai đó. Mẹ tôi lo quá, thức với con nhiều ngày tháng đôi mắt bà quầng thâm, sâu hun hút. Mẹ tôi chép miệng than
– Thằng nhỏ đang khỏe mạnh, ăn chơi nay phải lâm bệnh ngặt nghèo.
Ba tôi bên ngoài làm mặt cứng cỏi, khuyên mọi người hãy bình tĩnh, nhưng nhìn kỹ trong đôi mắt ông, trên gương mặt ông không che đậy được hết nét ưu tư. Ông càng băn khoăn hơn là bởi vì chính ông nhận ra cứ khoảng hai ba giờ sáng, tiếng lộp độp, cháy xèo xèo như nước mỡ nhỏ xuống bếp than như ai đang nướng vật gì. Mùi cháy khét chốc chốc lại bay hắt từ đâu tới. Có những đêm ông mở cửa ra ngoài cố lắng tai, hướng mũi tìm xem mùi cháy khét xuất phát từ đâu, nhưng tuyệt nhiên bên ngoài thì không nghe thấy. Ông trở vô nhà đóng cửa, gieo mình xuống giường nhưng không ngủ được, cứ mơ mơ màng màng cho đến sáng.
Đêm nay tiếng xèo xèo lại nổi lên, ba tôi lắc vai mẹ tôi:
– Bà ơi, bà, bà có nghe gì không?
Má tôi run run, không trả lời thẳng câu hỏi, bà nói thầm:
– Tôi đây, tôi có ngủ được đâu, thằng nhỏ nóng mê mang, tôi lo quá ông ạ.
– Ba tôi lắp bắp:
– Tôi hỏi là bà có nghe thấy gì không?
– Hình như ai nướng cái gì phải không ông - Má tôi hỏi lại.
Ba tôi kề miệng sát vào tai má:
– Chẳng ai nướng gì cả, tôi ra ngoài xem thử, mọi vật đều yên ắng, tiếng động ở ngay trong nhà của mình bà ơi.
– Ông nói sao? Trong nhà mình à.
– Ừ, trong nhà mình!
Trong bóng đêm, má tôi đưa tay bợ ngực:
– Mô Phật, cô bác khuất mày, khuất mặt sao giỡn chơi kỳ lạ.
– Nhưng hai tháng nay đâu có nghe gì, sao nay lại...- Ba tôi than.
Má tôi nói:
– Hay ông đập cái ông khói động đến các ngài.
Ba tôi trấn an:
– Ai ở trong ống khói mà động.

Nói thì nói vậy chứ lòng ba tôi nao núng vô kể. Trước năm 1975, ông làm trưởng văn phòng Thu Nhận Quân Dụng Phế Thải Qui Nhơn. Một hôm ghé bãi chứa quân cụ phế thải phát lương cho các anh em gác gian. Ba tôi thấy nhang khói nghi ngút, bánh ngọt, hoa, trái bày biện ngay trong thùng chiếc xe thiết vận M113 bị bắn cháy. Ngạc nhiên ba tôi hỏi người tổ trưởng tên Cư:
– Sao trong chiếc xe bọc sắt M113 lại có đồ cúng?
Người tổ trưởng gác gian ôn tồn trả lời:
– Anh ơi, ban đêm bãi chứa nầy vong hồn nhiều vô số. Họ sinh hoạt như chỗ không người.
Ba tôi mỉm cười chế nhạo. Cư biết ba tôi không tin, chàng tiếp:
– Đêm mai anh rãnh không, tôi ghé đón anh khoảng 11 giờ đêm. Tôi mua cà phê đến đây, leo lên vọng gác chơi, anh em mình uống cà phê xem ma cho biết.
Quả nhiên đêm đó, lần đầu tiên trong đời, ba tôi chính mắt chứng kiến những vong hồn các anh lính bức tử trong chiếc xe thiết giáp bị VC bắn cháy. Họ đi lang thang khắp cùng bãi chứa, ngồi nói chuyện, hút thuốc sáng lòa, đôi khi la hét, chửi thề như sinh hoạt lúc còn sống. Có một vong hồn đến tận chân vọng gác, vịn tay vào các trụ cột làm ba tôi sợ điếng người, không biết anh ta định làm gì, một lát anh bỏ đi. Lúc ấy nếu hồn anh lính leo lên vọng gác thì chẳng biết việc gì xảy ra.
Chỉ có Cư tổ trưởng và năm anh em gác gian quen rồi nên ít sợ. Hơn nữa, khoảng năm 1974, có được công việc làm nhẹ nhàng, vác cây M16 tành tành, cả năm chưa đụng đến cò súng, có khi trong băng không có đạn cho an toàn kẻ hậu phương. Chiến trường Bắc Bình Định đã nuốt hàng trăm người lính mỗi ngày thì thấy ma ban đêm còn nhẹ, có gì mà ngại. Cầm bằng như người lao công chuyên khiêng xác chết.
Có một điều làm cho ai chứng kiến đều rùng mình là dưới bóng trăng lờ mờ, hoặc những ngọn đèn vàng vọt từ phi trường chiếu vào. Có những vong hồn đi mà thân thể như đầy vết thương, máu me ướt cả người, ai cũng sứt càng gãy gọng thật thảm thương.
Tiếng má tôi thì thào đã lôi giòng tư tưởng ba tôi về thực tại.
– Sao lại như tiếng mỡ chảy hả ông?
– Tôi cũng đang tự hỏi đây.
Tiếng mỡ rớt trên lửa than xèo xèo lại vang lên trong nhà. Với một bóng đèn ngủ lờ mờ ở phòng khách, ba má tôi ra dấu cùng lôi tay mở cửa phòng ngủ rón rén đi đến cầu thang xuống tầng hầm. Dưới đó nhiều ngăn chứa, phòng làm việc...nơi có sẵn bàn bi da khi chúng tôi dọn vào. Ba tôi á khẩu:
– Đúng rồi, tiếng mỡ nhỏ xuống bếp và mùi cháy khét bốc lên từ tầng hầm của nhà nầy.
Ba tôi toát mồ hôi, má tôi sợ run bần bật, bà lôi tay ông giật ngược về lại phòng ngủ, hai người không nói với nhau một lời nào, hai người hai suy nghĩ. Hôm sau chúng tôi đi làm cả, ba tôi bật đèn sáng xuống tầng hầm quan sát khắp nơi. Tuyệt nhiên ông không thấy một dấu tích nào nhằm giải thích hiện tượng tiếng động và mùi cháy khét đêm qua.
– Lạ nhỉ?- ba tự hỏi.
Chúng tôi còn trẻ, lại làm việc trong xưởng mệt mỏi nên ngủ như chết không hay biết gì.
Nhưng việc quan trọng đó dần dà chúng tôi đều biết. Mấy anh em lớn trong nhà tôi tinh thần rất giao động. Cuộc sống như bị một cái gì vô hình rình rập, đứa nào trông cũng bần thần khó chịu. Thằng em trai lớn tôi nghe ai đó trên nhà thờ bảo rằng ma quỷ rất sợ cây thánh giá. Nó xin một cái tròng vào cổ. Lúc nầy ai làm gì thì làm, ba má tôi dồn hết thì giờ vào bệnh tình của đứa em út.
Trong bữa ăn thằng em tôi, cầm cây thánh giá đưa lên nói:
– Bà Tám trên nhà thờ nói ma quỷ rất sợ cây thánh giá nầy, bả nói nhà mình nên đi nhà thờ mua mỗi người một cái mà đeo, ban đêm phải đọc kinh.
Vừa nói xong ngọn đèn phòng ăn chợt tắt, rồng sáng lại làm như ai bật lên xuống contact đèn. làm ba má tôi nhìn nhau. Chưa hết, nó vừa nuốt miếng cơm thì hai mắt bỗng nhiên trợn trừng, mặt đỏ như tiết, làm ba má thất kinh hồn vía. Mẹ tôi sợ quá ứng khẩu nói lớn:
– Nếu trong nhà tôi có ai nói xúc phạm đến các cô hồn thì xin tha thứ bởi chúng tôi là phàm phu.
Em tôi nuốt miếng cơm từ từ và tình trạng trở lại bình thường. Mẹ tôi lườm nó rồi tiện tay giựt đứt sợi dây có thánh giá để trên bàn bảo nó đi trả lại cho người ta. Mẹ tôi nhắc một câu chung chung:
– Mấy đứa nhớ đừng ăn nói tào lao, chúng ta có thế giới chúng ta, oan hồn có thế giới oan hồn, loài vật cũng có thế giới của loài vật.
Mẹ tôi lễ phép nói thế cho ai nghe thì không biết, nhưng mấy anh em chúng tôi hình dung gia đình tôi đang sống trà trộn với người ở cõi âm.
Ngày trước đứa nào cũng giành một phòng, bây giờ tìm với nhau mà ngủ chung cho vui. Nhờ thế mà hai đứa em gái tôi trước kia nạnh hẹ từ dọn chén ăn cơm đến sau khi ăn, rửa chén, bát. Chúng như cái dùi, cái mõ, nay lại hòa bình ghê gớm. Nếu để ý sẽ thấy khi ngủ hai chị em nó còn gác chân, gác tay lên nhau để biết chắc ta không ngủ một mình. Ba tôi cho mấy đứa lớn biết điểm xuất phát tiếng động nằm ngay dười cái ống khói mà ba tôi đã phá đi rồi.

Hôm sau nhân lúc nghỉ ăn trưa tại xưởng làm, tôi đem chuyện mùi cháy khét kể lại cho người bạn chung sở nghe. Bạn tôi ra vẻ ngạc nhiên, hắn cho biết đó là chuyện của mười mấy năm trước. Ngày xưa toàn khu nầy ai cũng nghe thấy mùi khét bay nồng nực mỗi khi có hỏa táng gần nghĩa trang. Dân trong làng làm đơn khiếu nại lên thành phố nên cái nhà thiêu xác ấy bị rút môn bài. Từ đó không ai còn nghe mùi khét nữa, và phần còn lại của khu nghĩa trang rộng lớn nay đã biến thành khu phố. Chỉ còn một khu nhỏ đã có mộ gần xa lộ số 5 mà thôi. Ngôi nhà thiêu xác sau đó được sửa sang lại thành nhà ở cùng sự phát triển nhịp nhàng của khu phố nầy. Người bạn tôi nói thêm rằng ngôi nhà ấy đổi chủ luôn vì lý do gì anh ta không rõ. Tôi hỏi thăm thêm nơi chốn của ngôi nhà ấy thì mới hay nhà thiêu xác đó chính là ngôi nhà chúng tôi đang ở.

Khi về, tôi đem chuyện nầy nói với ba tôi trước. Tôi thấy lông tay và tóc của ông dựng ngược lên. Hôm sau hai cha con tôi tới gặp mục sư An, người đã bảo trợ gia đình chúng tôi kể hết đầu đuôi câu chuyện. Ông bảo trả 107 đô để ông bán cho cây thánh giá lớn. Ông cam đoan cây thánh giá đặt vào chỗ có tiếng động thì tiếng động sẽ biến đi. Ba tôi đỡ lấy cây thánh giá với sự bán tin bán nghi, nhưng nể nên ba tôi đem về. Hình ảnh đứa con đang nuốt cơm bị nghẽn ngang miệng hôm trước làm ông phân vân.

Khi về, ba tôi lặng lẽ đem cây thánh giá dựng gần cửa phòng chứa đồ, nơi ông nghe có tiếng cháy xèo xèo và mùi khét xuất phát. Nhưng hai đêm nay cứ khoảng ba giờ sáng xem chừng tiếng mỡ rơi và mùi cháy khét không thay đổi mà còn dữ dội hơn. Ba tôi kiên nhẫn chờ thêm mấy ngày nữa, nỗi lo âu, sợ hãi làm cho tất cả mọi người trong gia đình tôi vô cùng hoang mang.

Bảy phòng ngủ sau khi mua nhà còn chê chật, nay chín người đều ngủ chung có một phòng khách mà vẫn còn rộng thênh thang. Đêm nào mấy đứa nhỏ nhất và hai đứa con gái cũng muốn ngủ trước, bởi chúng muốn nằm giữa cho chắc ăn. Thằng em bệnh hoạn thỉnh thoảng đưa tay vào khoảng không bắt, nắm khiến cho nỗi sợ rợn người tăng thêm mãnh liệt. Đặc biệt là mỗi khi sốt, miệng nó cứ nói chuyện nghe như mẫu đối thoại rời không đầu, không đuôi. Nó bệnh về thể xác thực sự, nhưng với nó lại không thấy việc gì bất ổn về tinh thần đang xảy ra chung quanh căn nhà nầy.

Má tôi đề nghị nho nhỏ với ba tôi lên chùa mời một vị sư về làm phép yếm tà. Ba tôi không cãi lại như thường lệ mà ngoan ngoãn nghe theo. Làm gì cũng được, miễn sao cho em tôi bớt bệnh là quý rồi. Đến chùa Phật Bảo, ba tôi trình bày tự sự với sư cụ Giác Toàn, sư cụ nói:

– Tôi là người xuất gia học đạo, không làm việc cúng kiếng, trừ tà yếm quỷ và chữa bệnh. Tuy nhiên việc cầu siêu cho những vong linh quá vãng, cầu an cho người còn sống có trong kinh sách nhà Phật. Mà cầu siêu hay cầu an cũng chỉ là trợ duyên mà thôi. Quí vị nên tìm người khác.

Trên đường về ba tôi nghĩ đến thầy Ba, người thường đăng trên Chicago Việt Báo về coi quẻ, tử vi, phong thủy, trừ tà.... Ghé đến thầy Ba, thầy nhận lời ngay và theo ba tôi về nhà. Trên đường đi thầy Ba còn quả quyết rằng chỉ sau khi cho em tôi uống một đạo phù do chính tay thầy vẽ thì bệnh em tôi giảm ngay. Ba tôi cũng nửa tin, nửa nghi, nhưng cũng chưa mất mát gì cứ coi như phước chủ may thầy.

Một bàn hương án đặt giữa nhà, đèn đuốc sáng trưng, thầy Ba mặc áo đỏ, tay cầm phất trần, miệng đọc thần chú nghe chẳng ai hiểu gì cả. Đoạn ông cho em tôi uống nước tro của đạo phù ông vừa viết đốt và tán nhỏ bỏ vào ly. Em tôi cứ phun ra nhưng ông dùng hai ngón tay bóp vào hai bên mép nó, cuối cùng nó cũng nuốt được một phần. Em tôi uống bùa xong, thầy Ba còn tiếp tục cúng trước bàn với lối huơ tay huơ chân, khiến ba tôi dù đang lo lắng cho em tôi cũng phải nghiêng mồm vào tai má tôi nói nhỏ:
– Bá vơ.
Nhưng má tôi trừng ba tôi:
– Đừng ngang tàng, “bùa thiêng”, nhờ thầy nó ngủ yên rồi.
Ba tôi nghe thế cũng phân vân. Thực tế thì nãy giờ, ba tôi thấy điệu bộ thầy Ba ông không phục, nhưng nhiều đêm nay thằng nhỏ không ngủ, nay mới uống có một lá bùa nó lăn ra ngủ, còn bớt sốt nữa nên ông cứ coi như có kết quả, lòng đâm hối hận vì đã có ý khinh miệt bọn thầy pháp.

Xong việc cúng kiếng, gia đình tôi tạ lễ thầy Ba, tôi lấy xe đưa thầy về. Khi dọn dẹp bàn hương án thì thấy thầy Ba để quên lại một thỏi châu sa. Chừng đó ba tôi mới hay là em tôi uống bùa không phải là bùa linh mà uống thuốc an thần vì trong châu sa vốn có nguyên tố an thần.
Đêm đến, tiếng cháy xèo xèo vang lên, mùi khét bay tới. Gia đình tôi lại trở lại trạng thái phập phồng, sợ hãi như xưa. Giữa một ông pháp sư và một ông mục sư, gia đình tôi không biết chọn ai để nhờ đỡ. Má tôi thì chọn thầy pháp, ba tôi vẫn thích mục sư. Cuối cùng ba tôi chìu ý má tôi trước nên trở lại nhờ thầy Ba cúng nữa. Cũng vẫn công việc như bữa đầu tiên, nhưng hôm nay thầy Ba cúng cả tiếng đồng hồ. Thầy còn bảo đám quỷ nầy khó trị, phải tiếp tục cúng mấy ngày liền may ra mới hết. Nhưng đến ba ngày liên tiếp trong nhà tôi cả đêm đèn sáng như ban ngày không dám tắt, mọi việc đều như cũ nên ba tôi cám ơn thầy Ba và đuổi khéo thầy về.

Tại nhà thờ Armitage Baptist Church. Hai cha con ông Phùng Kỷ chờ gần như sắp hết kiên nhẫn. Quá 45 phút mục sư Hà An mới trở lại, ông suy nghĩ hồi lâu, đưa ngón tay cái đẩy cằm, đầu hơi cúi xuống, đi tới đi lui cả chục lần làm chúng tôi nóng ruột. Sau đó ba tôi hỏi thêm lần nữa xem ông có cao kiến gì không. Vị mục sư đưa tay chỉ chiếc xe van đang đậu trước sân nhà thờ hai bên hông xe có đề hàng chữ “help moving, low price” đại ý “ giúp dọn nhà, giá rẻ” .

Như vậy là khoản tiền dành dụm mấy năm nay của anh em chúng tôi coi như tiêu tan. Trước khi trở lại đây, chúng tôi đã đi đến một vài công ty địa ốc khác nhờ kêu bán. Hai nơi đều trả lời: “Đó là nhà ma, cho người ta không thèm lấy, ai mua má bán”.

Thủy Lâm Synh
Jan. 20, 2001
Tubet
Lá Mít
Lá Mít
 
Tiền: $416
Posts: 16
Joined: 18 May 2011
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng Tubet từ: YaHuy, tieubao1

Return to Truyện Đọc ( E-Book )



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 10 guests