Nhân Sâm

Những bài thuốc bí truyền từ thiên nhiên
sẽ được tiết lộ bí mật tại đây

Moderators: giamchua, A Mít

Nhân Sâm

Postby giamchua » 30 Mar 2010

Y học cổ truyền đã biết đến công dụng của nhân sâm từ nhiều ngàn năm nay. Những công dụng ấy được công bố, áp dụng lâm sàng một cách định tính. Nhưng ít ai biết, thực ra các nhà khoa học từ giữa thế kỷ trước, với những thiết bị, khoa học công nghệ đương đại đã cố gắng nghiên cứu về loài thuốc quý – nhân sâm để có kết quả định lượng đầy thuyết phục.

Image


Nhân sâm có nhiều tác dụng

Nhân sâm có tác dụng gia tăng quá trình ức chế và hưng phấn vỏ não, làm phục hồi bình thường khi hai quá trình này bị rối loạn, saponin trong nhân sâm chỉ với một lượng nhỏ, chủ yếu dùng để làm hưng phấn trung khu thần kinh, còn với lượng lớn có tác dụng ức chế. Nhân sâm có tác dụng tăng sức lao động trí óc và chân tay, chống mỏi mệt, làm tăng hiệu suất hoạt động tư duy và thể lực. Nó có thể chống lão hóa, cải thiện chức năng của não ở người lớn tuổi, tăng khả năng tập trung trí tuệ, tăng trí nhớ.

Nhân sâm giúp cơ thể tăng khả năng thích nghi, phòng vệ đối với những kích thích có hại. Nó vừa làm hồi phục huyết áp ở cơ thể choáng do mất máu, vừa có thể làm hạ huyết áp ở người huyết áp cao, chống ACTH làm tuyến thượng thận phì đại, chống corticoid làm teo thượng thận.

Nhân sâm vừa có thể làm hạ đường huyết cao do ăn uống, vừa có thể nâng cao trạng thái đường huyết hạ do insulin gây nên. Nhân sâm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường khả năng thực bào của hệ tế bào võng nội bì, tăng hiệu suất chuyển hóa của tế bào “lâm ba” và globulin IgM, do đó, nâng cao tính miễn dịch của cơ thể.

Lượng ít dịch nhân sâm làm tăng lực co bóp tim của nhiều loài động vật, nếu nồng độ cao thì giảm lực co bóp tim (trên thực nghiệm). Đối với động vật suy tuần hoàn cấp do mất máu nhiều, nhân sâm làm tăng cường độ và tần số co bóp của tim; đối với suy tim, tác dụng tăng cường tim của thuốc càng rõ.

Nhân sâm còn có tác dụng hưng phấn vỏ tuyến thượng thận. Một nhóm nghiên cứu cho rằng, cơ chế là do thông qua vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra chất ACTH làm tăng cAMP của vỏ tuyến thượng thận. Thân và lá của nhân sâm cũng có tác dụng hưng phấn hệ tuyến yên – vỏ tuyến thượng thận.

Nhân sâm còn có tác dụng kích thích hormon sinh dục nam cũng như nữ.

Nó cũng có tác dụng hạ đường huyết. Đối với thực nghiệm, đường huyết cao ở chó, thuốc có tác dụng cải thiện trạng thái chung và hạ đường huyết.

Saponin nhân sâm làm tăng chuyển hóa lipid, tăng cường sự hợp thành sinh vật học cholesterol và lipoprotein trong gan chuột cống thực nghiệm. Nhưng lúc gây mô hình cholesterol cao trên động vật thì nhân sâm có tác dụng làm hạ. Theo các thí nghiệm, nhân sâm có thể ngăn ngừa sự phát sinh cholesterol cao ở thỏ, vì vậy mà ngăn ngừa được sự hình thành xơ vữa động mạch.

Nhân sâm có khả năng làm giảm tác hại của chất phóng xạ. Saponin trong nhân sâm Rh2 có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư.

Khi nghiên cứu trên thỏ và chuột cho thấy, nhân sâm có tác dụng bảo vệ gan, gia tăng chức năng giải độc của gan. Nhân sâm còn có tác dụng nâng cao thị lực và làm tăng khả năng thích nghi của thị giác đối với bóng tối.

Độc tính của nhân sâm: nếu tiêm thuốc vào dưới da chuột nhắt thì liều độc cấp LD50 là 16,5 ml/kg. Cho chuột nhắt uống nhân sâm theo liều lượng 100, 250, 500 mg/kg liên tục trong 1 tháng và theo dõi nhiễm độc bán cấp không thấy gì thay đổi khác thường. Một nghiên cứu khoa học đã tiến hành tiêm vào dưới da chuột nhắt 1 ml dung dịch nhân sâm nồng độ 20%, kết quả cho thấy, sau 10 – 12 giờ chuột chết với trạng thái mất sắc, nhưng cho uống thì độc tính rất ít.

Kết quả nghiên cứu dược lý

Sau đây là kết quả nghiên cứu dược lý của nhân sâm theo “Những cây thuốc và vị thuốc quý”.

Tác dụng trên hệ thần kinh: từ xưa tại Trung Quốc, người ta đã biết làm thí nghiệm để kiểm chứng tác dụng làm giảm mệt của nhân sâm, Lý Thời Trân trong sách “Bản thảo cương mục” (thế kỷ 16) có ghi: cho hai người cùng chạy, một người ngậm nhân sâm, một người không, sau khi chạy độ 3 – 5 dặm, người không ngậm nhân sâm thở mạnh, còn người ngậm nhân sâm thở bình thường. Trong các năm 1949 – 1951, tại Nga, GS. Abramova làm thí nghiệm theo phương pháp: cho chuột nhắt lội nước và nhận thấy: nhân sâm có tác dụng làm đỡ mệt. Năm 1947, GS. Lazarev đã nghiên cứu và kết luận, nhân sâm có tác dụng làm hưng phấn thần kinh trung ương, dùng với liều điều trị có thể làm đỡ mệt. Năm 1955, Drake theo phương pháp của GS. Zacuxov đã chứng minh, với liều điều trị của nhân sâm có khả năng rút ngắn thời kỳ phản xạ tiềm phục của thần kinh và làm nhanh chuyển động của thần kinh, nhưng liều cao quá có thể gây hiện tượng quá trấn tĩnh.

Tác dụng trên huyết áp và tim: các nhà nghiên cứu Nga đã nghiên cứu nước sắc và cồn nhân sâm và kết luận, tác dụng của dung dịch nước và dung dịch rượu của nhân sâm như sau: dùng dung dịch 5%, 10% và 20% nhân sâm tiêm vào tĩnh mạch thỏ và mèo thấy tác dụng hạ huyết áp, nồng độ càng cao tác dụng ức chế trên tim càng mạnh, nhưng nếu nồng độ thấp thì co bóp tim mạch và số lần co bóp càng tăng. Do đó, họ đã kết luận, nhân sâm có hai hướng tác dụng trên thần kinh thực vật, liều nhỏ tác dụng như thần kinh giao cảm, liều lớn có tác dụng như thần kinh phế vị.

Tác dụng trên hệ hô hấp: năm 1947, GS. Burkrat và GS. Xakxopov đã cho biết: dùng 0,3 – 0,5 ml dung dịch nhân sâm 20% tiêm vào tĩnh mạch mèo, kết quả cho thấy, nhân sâm làm hưng phấn hô hấp. Một số nhà nghiên cứu Nhật Bản và Trung Quốc trước đó đã thử nghiệm tiêm vào tĩnh mạch thỏ chất ginsenin: liều nhỏ làm tăng hô hấp, liều cao có tác dụng ngược lại, nếu tiêm acid panax hay chất panaxen cũng thấy tác dụng như vậy.

Tác dụng đối với chuyển hóa cơ bản: năm 1922, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu tác dụng của bột nhân sâm và chất tan trong cồn của nhân sâm (uống và tiêm) đối với bệnh đường huyết cao trên thỏ, kết quả: nhân sâm có tác dụng rõ rệt làm hạ đường huyết. Năm 1954 và 1956, một số tác giả Trung Quốc cũng xác nhận tác dụng hạ đường huyết của nhân sâm. Trên lâm sàng, BS. Khâu Trần Ba (năm 1955) nhận thấy, nếu dùng nhân sâm chung với insulin thì thời gian hạ đường được kéo dài và chữa được bệnh.

Tác dụng đối với sự sinh trưởng của động vật: cho uống hoặc tiêm thuốc bào chế bằng nhân sâm, hay các chất lấy từ nhân sâm trên một số động vật, so sánh với số không dùng nhân sâm, thấy trọng lượng con vật tăng lên, thời gian giao cấu của chúng kéo dài, hiện tượng tình dục xuất hiện rõ rệt.

Tác dụng đối với sức chống đỡ bệnh tật: những thí nghiệm của GS. Daugolnikov (1950 – 1952), GS. Brekman, GS. Phruentov (1954 – 1957) và GS. Abramow (1953) cho biết, nhân sâm có tác dụng tăng sức đề kháng của động vật đối với bệnh tật. Nhân sâm có tác dụng phòng chữa bệnh loét dạ dày và viêm cơ tim trên thực nghiệm.

Ứng dụng lâm sàng

Dùng nhân sâm điều trị cấp cứu trong trường hợp bệnh nguy kịch: khí thoát, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, mạch trầm vi tế hoặc trường hợp chảy máu nhiều, gây choáng (suy tuần hoàn cấp), dùng nhân sâm để ích khí cứu thoát, hồi dương cứu nghịch, tùy tình hình chọn các bài:

Độc sâm thang: nhân sâm 4 – 12 g, chưng cách thủy cho uống, nên uống nhiều lần.

Sâm phụ thang: nhân sâm 3 – 6 g, phụ tử chế 4 – 16 g, sắc uống 6 lần. Đối với trường hợp dương hư chân tay lạnh (choáng trụy tim mạch) cần thực hiện đông, tây y kết hợp cấp cứu.

Cấp cứu trẻ sơ sinh trạng thái nguy kịch: mỗi ngày dùng nhân sâm xắt mỏng 3 – 5 g (tương đương 1 g/kg cân nặng/ngày) cho nước 40 – 50 ml chưng 30 phút, uống cứ 3 giờ 1 lần (nhỏ giọt vào miệng), mỗi lần 5 ml, 1 liệu trình 4 – 6 ngày, dài là 10 ngày có phối hợp tây y cấp cứu, thử nghiệm theo dõi 10 ca đều khỏi. Thường sau 2 – 3 lần uống nhân sâm, các triệu chứng đều được cải thiện trên lâm sàng.

Dùng hồng sâm 30 g sắc nước cho uống liên tục đồng thời châm bách hội, hai kim hướng trước sau, cấp cứu 10 ca choáng do mất máu có tác dụng nâng huyết áp.

Dùng nhân sâm, mạch môn, ngũ vị chế thành thuốc tiêm sinh mạch (hàm lượng mỗi ml có 0,57 g thuốc sống), mỗi lần tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 2 – 4 ml có kết quả tốt đối với nhồi máu cơ tim và choáng do tim.

Trị chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài do tỳ vị hư nhược: dùng phối hợp với bạch truật, bạch linh.

Tứ quân tử thang: nhân sâm 4 g, bạch truật 12 g, bạch linh 12 g, cam thảo 4 g, sắc uống.

Trị các loại bệnh phổi: như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, tâm phế mạn, dùng bài nhân sâm định suyễn thang: nhân sâm 8 g (gói sắc riêng), thục địa 20 g, thục phụ phiến 12 g, hồ đào nhục 16 g, tắc kè 8 g, ngũ vị tử 8 g, sắc uống.

Nhân sâm hồ đào thang: nhân sâm 4 g, hồ đào nhục 12 g, sắc uống trị chứng hư suyễn.

Trị bệnh cảm ở người vốn khí hư: dùng bài sâm tô ẩm (cục phương): nhân sâm 4 g (sắc riêng), tô diệp 12 g, phục linh 12 g, cát căn 12 g, tiền hồ 4 g, bán hạ (gừng chế) 4 g, trần bì 4 g, chỉ xác 4 g, cát cánh 4 g, mộc hương 3 g (cho sau), cam thảo 3 g, sinh khương 3 lát, đại táo 2 quả, sắc uống nóng cho ra mồ hôi.

Trị chứng thiếu máu: dùng các bài bổ huyết như tứ vật thang, đương quy bổ huyết thang, gia thêm nhân sâm kết quả tốt hơn.

Trị tiểu đường: thường dùng các thuốc tư âm bổ thận như: thục địa, kỷ tử, thiên môn, sơn thù nhục, dùng bài tiêu khát ẩm: cát lâm sâm 8 g (sắc riêng), thục địa 24 g, kỷ tử 16 g, thiên môn đông 12 g, sơn thù nhục 12 g, trạch tả 16 g, sắc uống.

Dùng độc vị nhân sâm uống: theo một nghiên cứu dùng cao lỏng nhân sâm mỗi lần uống 0,5 ml, ngày 2 lần, liệu trình tùy tình hình bệnh, nếu bệnh nhẹ kết quả rõ, có thể làm hạ đường huyết 40 – 50 mg%, ngưng thuốc có thể kéo dài thời gian ổn định trên 2 tuần, đối với thể trung bình tác dụng hạ đường huyết không rõ, nhưng triệu chứng chung được cải thiện như khát nước giảm, đỡ mệt mỏi.

Trị liệt dương: một nghiên cứu đã dùng nhân sâm trị 27 bệnh nhân, chức năng tình dục được hồi phục hoàn toàn ở 15 bệnh nhân, 9 bệnh nhân chuyển biến tốt, 3 bệnh nhân không kết quả. Ngoài ra, có thể dùng uống nước chiết xuất 500 mg mỗi ngày để trị các trường hợp: liệt dương, tảo tiết, phóng tinh yếu, tình dục giảm, đều có kết quả nhất định.

Trị cao huyết áp và xơ vữa động mạch: các nhà khoa học Nga dùng cồn 20% nhân sâm, mỗi lần 20 giọt điều trị cho nhiều bệnh nhân, ngày 2 lần, đối với các chứng huyết áp cao, xơ vữa động mạch, đau thắt tim, thần kinh tim và hở van tim, đều có kết quả nhất định như cảm giác dễ chịu, bớt khó thở, bớt đau thắt tim, bớt đau đầu, ngủ tốt, điện áp sóng T và R được nâng cao. Ngưng thuốc 6 – 9 tháng, bệnh tình vẫn ổn định.

Nhân sâm có tác dụng làm giảm mỡ trong máu ở người già, nhất là đối với triglycerid, 80% người được thử nghiệm cảm thấy thể lực và trí lực đều tăng, 54% mất ngủ được cải thiện, 40% chứng tinh thần trầm cảm giảm, rối loạn sắc tố da ở người già được cải thiện, bớt rụng tóc.

Dùng trị chứng suy thượng thận (addison): do nhân sâm có tác dụng kháng lợi niệu, nên ảnh hưởng tới chuyển hóa của nước muối như hormon vỏ thượng thận gluco-corticoid. Theo báo cáo của Vương Bản Tường, theo dõi 18 ca, bệnh nhân addison được cho uống cồn chiết xuất thân lá nhân sâm 20% (tương đương 0,5 g thuốc sống/ml); liều 20 – 30 ml, mỗi ngày uống 3 lần và tăng dần liều đến 150 – 300 ml mỗi ngày. Liệu trình bình quân 121 ngày. Sau điều trị, bệnh nhân lên cân, huyết áp được nâng lên, lực nắm bàn tay mạnh hơn, đường huyết lên, natri huyết thanh tăng. Thử nghiệm nước corticoid và ACTH đều được cải thiện, giảm lắng đọng sắc tố ở da, đối với bệnh nhân sớm và ở giai đoạn bù trừ có kết quả tốt, có thể hồi phục khả năng bù trừ, cần dùng kết hợp với corticoid có giảm liều.

Dùng trị tỳ hư trẻ em: theo báo cáo của Từ Hỷ Mai, dùng hồng sâm chữa cho 10 trẻ em nằm viện có các triệu chứng đần độn, ra mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, vàng bủng. Điều trị theo phác đồ chung, dùng hồng sâm theo liều: trẻ dưới 3 tuổi: hồng sâm 3 g sắc được 30 ml; trẻ trên 3 tuổi: sắc lấy 60 ml dùng thêm đường mía, chia 2 lần uống trong ngày, một liệu trình 7 – 14 ngày. Thuốc có tác dụng làm trẻ ăn ngon, hết mồ hôi, lên cân, sắc mặt tươi hơn.

Trị bệnh động mạch vành: theo báo cáo của BS. Dụ Hương Quần, dùng hồng sâm chế thành dịch, tiêm hàm lượng 200 mg/2 ml/ống; dùng 6 – 10 ml thuốc trộn với 40 ml gluco 10% tiêm tĩnh mạch, ngày 1 – 2 lần. Tác giả theo dõi 31 ca: đau thắt tim có kết quả 93,54%, điện tâm đồ được cải thiện

Trị chứng giảm bạch cầu: chiết xuất saponin từ thân, rễ, lá nhân sâm chế thành viên, mỗi lần dùng 50 – 100 mg, ngày uống 2 – 3 lần. Một thử nghiệm trị 38 ca hạ bạch cầu do hóa liệu, tỷ lệ kết quả 87%, trên súc vật thực nghiệm cũng chứng minh thuốc có tác dụng tăng bạch cầu rõ rệt và có khả năng kích thích.

Trị viêm gan cấp: theo báo cáo của các nhà khoa học Nga, uống cao lỏng nhân sâm có khả năng làm cho chức năng gan hồi phục nhanh hơn và làm giảm khả năng bệnh chuyển thành mạn tính.

Theo GS. DƯƠNG NẠI NGẠN – Khoa Học Phổ Thông
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng giamchua từ: christiane

Re: Nhân Sâm

Postby giamchua » 30 Mar 2010

Những ai không nên dùng nhân sâm?

Nhân sâm có mặt tốt là một loại thuốc bổ dưỡng, làm cho cường tráng cơ thể, lại có một phản ứng phụ rất đáng chú ý, mười đối tượng sau đây cần kiêng dùng:

1. Người bị thường phong cảm mạo, phát sốt:
Khi bị cảm mạo, bất kể là do cảm nhiễm virút hay nhiễm vi khuẩn gây nên, đều có biểu trưng ngoại cảm. Trị liệu lấy sơ phong tán hàn hoặc thanh nhiệt giải biểu, để trừ bỏ ngoại tà. Nhân sâm bổ khí, có thể làm cho ngoại tà trệ lưu trong cơ thể không thể phát tiết ra ngoài được, ảnh hưởng đến hiệu quả trị liệu, kéo dài bệnh tình. Cho nên người cần phải uống dài ngày nhân sâm thì trong thời gian bị cảm mạo cần phải tạm thời ngừng không uống.
Viêm gan truyền nhiễm cấp tính, viêm túi mật cấp tính, bệnh sỏi mật, xuất hiện đau sườn, đau bụng, hoàng đản, phát sốt, thì đó đều là gan mật bị thấp nhiệt tăng chứa làm trở ngại, vì thế khí không lưu thông thanh thoát được. Trị liệu là lấy thanh lợi thấp nhiệt, lí khí đạo trệ làm chính. Nếu uống nhân sâm thì sẽ lại trợ thấp sinh nhiệt, làm cho khí trệ uất kết, làm cho chứng bệnh nặng thêm.

3. Những người viêm dạ dày và ruột cấp tính, bị nôn mửa, đau bụng, đi ngoài:
Bệnh này thuốc thấp nhiệt tích trệ. Trị liệu cần tiêu thực đạo trệ, hoà vị thanh trường, không nên ăn bồi bổ, càng không nên dùng nhân sâm lúc này, nếu không, dạ dày và ruột càng bị lấp nhét thêm làm cho bệnh tình nặng lên chứ không ích bổ gì.

4. Những người bị viêm loét bốc dạ dày cấp tính và xuất huyết:
Đau dạ dày là chứng viêm loét ở bộ phận dạ dày, dịch vị ra quá nhiều, dạ dày bị co giật gây nên. Trung y gọi là do khí trệ vị hoá mà sinh ra đau, huyết nhiệt chạy lung tung mà sinh ra xuất huyết. Chữa trị cần phải lý khí hoà vị, lương huyết chí huyết. Thế mà nhân sâm thì lại bổ khí, làm cho khí càng thịnh lên, huyết càng hưng vượng, thì như vậy rất khó làm giảm và làm hết đau.

5. Những bệnh giãn phế quản, bị lao, ho ra máu:
Khi bệnh cảm nhiễm giãn phế quản, bị lao… thường có ho ra máu, trong đờm có máu, bị ho, có người sốt nhẹ, xuất huyết, biện chứng trong Trung y là âm hư hoả vượng, phế âm suy nhược. Trị liệu cần phải tư âm giáng hoả, lương huyết chỉ huyết. Vậy mà nhân sâm có thể làm thương âm động hoả, càng làm hiện tượng nôn ra máu trở nên nặng thêm.

6. Những người cao huyết áp:
Đầu váng mắt mờ, mắt đỏ tai ù, nôn nóng hấp tấp, cuống cuồng, dễ nổi nóng, mạch huyền, đó là can dương lên cao, can hoả viêm tấy lên. Trị liệu cần phải bình can tiền dương, thanh tiết can hoả. Nhân sâm thì có cả 2 tác dụng đối với huyết áp: Liều lượng nhỏ sẽ làm tăng huyết áp, liều lượng lớn thì làm hạ huyết áp. Nhưng nói về mặt lâm sàng, nhân sâm có thể làm nặng thêm triệu chứng can dương can hoả, hơn nữa liều thuốc rất khó nắm vững được, cho nên người cao huyết áp nói chung không nên uống.

7. Những thanh niên hay bị di tinh, bị xuất tinh sớm:
Phần lớn là do gan thận tương hoả vượng thịnh, âm hư là nhiều, thuỷ không dưỡng hoả. Nhân sâm có tác dụng như sex hormon, thúc đẩy kích thích tố tình dục có tác dụng nâng cao cơ năng sinh dục, những thanh niên bị di tinh và sớm xuất hiện, thường rất nhạy cảm và bị kích thích mạnh về tình dục, uống nhân sâm sẽ làm nặng thêm tình trạng di tinh và xuất tinh quá sớm.

8. Những người có bệnh về hệ thống miễn dịch:
Các bệnh tự thân miễn dịch như ban đỏ, mụn nhọt, viêm khớp loại phong thấp, bệnh da cứng, phần nhiều thanh niên hay mắc, trong đó nữ thanh niên bị mắc nhiều hơn, thấy nhiều ở những người bị âm hư hoả vượng, bị ức chế miễn dịch của tế bào và miễn dịch của các chất lỏng trong cơ thể lên cao. Nhân sâm có thể tăng cường miễn dịch, làm cho kháng thể tăng lên nhiều, do đó kích thích kháng hạch kháng thể hoạt động, như vậy không thích hợp với những bệnh nói trên, vì thế những người bị bệnh đó không nên dùng.

9. Phụ nữ ở thời kỳ mang thai:
Trong trường hợp bình thường, những người mang thai không cần phải uống thuốc gì cả. Nếu uống nhân sâm vào, thành phần của nhân sâm sẽ có thể thông qua tuần hoàn huyết dịch được thai nhi hấp thu một phần, làm tăng thêm thai hoả, rất bất lợi cho thai nhi và có thể dẫn tới tình trạng khó sinh.

10. Những trẻ nhỏ dưới 14 tuổi
Cơ thể thuần dương (khí dương còn non và giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động sinh lý của trẻ trong thời kỳ sinh trưởng), âm thường không đủ, dương thì dư thừa, không nên sử dụng nhân sâm để làm bổ dương khí của chúng. Nhân sâm có thể thúc đẩy sự phát dục của tuyến sinh dục phát triển, đó là điều rất nên tránh đối với trẻ nhỏ để tránh cho tuyến sinh dục sớm thành thục. Những trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 năm, lại càng cần kỵ uống nhân sâm, ngay kể cả thanh niên cũng không nên uống nó làm gì nếu không có chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ Trung y.

Nguồn: Yahoo Answer
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 

Re: Nhân Sâm

Postby giamchua » 04 Apr 2010

Cách dùng nhân với mật ong

Theo dược học cổ truyền, nhân sâm là một trong những vị thuốc quý, có công dụng đại bổ nguyên khí, bổ ích ngũ tạng, sinh tân dưỡng huyết. Nhân sâm có thể được dùng độc vị dưới các dạng sâm lát, viên nang, trà tan, rượu thuốc... hoặc có thể phối hợp với các vị thuốc khác tùy theo mục đích trị liệu, trong đó có mật ong, một dược liệu có công dụng bổ trung ích khí, nhuận táo chỉ thống, hoãn cấp giải độc, an ngũ tạng, hòa bách dược. Đây là cách sử dụng nhân sâm dưới dạng phối ngũ khá độc đáo mà nhiều người chưa được biết. Bài viết này xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình để độc giả có thể tham khảo và vận dụng.

Công thức 1: Nhân sâm 500g, mật ong 250g, nhân sâm thái vụn sắc kỹ 3 lần, sau đó bỏ bã, hòa với mật ong rồi cô đặc thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g. Công dụng: diên niên ích thọ, rất thích hợp cho người già cần bồi bổ sức khỏe để kéo dài tuổi thọ.

Công thức 2: Nhân sâm 3g, mật ong 15g, nhân sâm thái vụn sắc kỹ lấy chừng 200ml (bã thuốc có thể nhai nuốt), sau đó cho mật ong vào hòa đều, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: bổ khí đề tỉnh thần, tráng dương hưng dục, diên niên ích thọ, dùng làm thuốc bồi bổ cho những người suy nhược cơ thể, nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục, xuất tinh sớm, di tinh...

Công thức 3: Nhân sâm tươi 30g, sữa bò 150g, lê tươi 500g, mật ong 120g. Nhân sâm thái vụn, sắc kỹ 3 lần, bỏ bã lấy nước cốt; lê gọt vỏ bỏ hạt, rửa sạch, ép lấy nước; đổ mật ong, sữa bò, nước lê và dịch chiết sâm vào nồi, cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g. Công dụng: bổ khí dương âm, thanh phế nhuận táo, dùng đặc biệt tốt cho những người bị bệnh đường hô hấp thể Khí âm lưỡng hư biểu hiện bằng các triệu chứng mệt như mất sức, khó thở, dễ bị cảm mạo, hay vã mồ hôi, ho khan ít đờm, môi khô miệng khát, hoa mắt chóng mặt, hay có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, tai ù tai điếc, đại tiện táo...

Công thức 4: Nhân sâm 5g, hạnh đào nhân 50g, mật ong 300g. Nhân sâm thái vụn, hạnh đào nhân sao thơm tán vụn, hai thứ đem sắc thật kỹ lấy nước rồi hòa với mật ong, cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm. Công dụng: bổ nguyên dương, làm đen râu tóc, phòng chống rụng tóc, chuyên dùng bồi bổ cho những người thể lực suy yếu, thị lực giảm sút, râu tóc sớm bạc, rụng tóc nhiều...

Công thức 5: Nhân sâm 100g, can khương 100g, cam thảo 150g, bạch truật 150g, phụ tử chế 100g, mật ong 650g. Các vị thuốc sấy khô, tán bột, luyện với mật ong thành viên hoàn, mỗi viên 7g, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên với nước ấm. Công dụng: đại bổ nguyên khí, ôn vị tán hàn, chuyên dùng bồi bổ và trị liệu cho những người bị bệnh lý dạ dày - đại tràng thuộc thể hư hàn, biểu hiện bằng các triệu chứng, mệt như mất sức, bụng lạnh đau âm ỉ, chườm nóng thì đỡ đau, buồn nôn và nôn ra nước trong, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt...

Công thức 6: Nhân sâm 30g, sinh địa tươi 320g, bạch linh 60g, mật ong 400g. Nhân sâm và bạch linh sấy khô tán bột, sinh địa rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, sau đó cho tất cả vào nồi cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g. Công dụng: tư âm nhuận phế, ích khí bổ tỳ, chuyên dùng để bồi bổ cho những người bị bệnh đường hô hấp, suy nhược thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, di tinh, liệt dương thuộc thể Khí âm lưỡng hư.

Công thức 7: Nhân sâm tươi (loại được bảo quản trong túi nilông đã hút chân không) 30g, mật ong lượng vừa đủ. Nhân sâm giã nát, ép lấy nước rồi hòa với mật ong, chia uống 2 lần trong ngày, bã có thể hãm với nước sôi uống thay trà. Công dụng: đại bổ nguyên khí, nhuận táo sinh tân, thường được dùng làm nước uống tăng lực cho những người có thể chất suy nhược. Công thức này cũng có thể gia thêm lê 1 quả, táo (loại to nhập từ Trung Quốc) 1 quả, cà rốt 1 củ, tất cả rửa sạch, ép lấy nước uống để làm đồ giải khát, tăng lực và cải thiện làn da cho phụ nữ.

Công thức 8: Nhân sâm 30g, bào thai hươu 1 bộ, bạch truật 30g, bạch linh 30g, cam thảo 30g, đương quy 30g, xuyên khung 30g, bạch thược 30g, thục địa 30g, mật ong lượng vừa đủ. Các vị thuốc đem sắc thật kỹ, lấy nước hòa với mật ong rồi cô thành dạng cao đặc, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20g. Công dụng: bổ ích khí huyết, điều kinh trợ thai, dùng làm thuốc để bồi bổ sức khỏe, đặc biệt tốt cho những phụ nữ muộn con do tử cung lạnh.

Nhân sâm có nhiều loại khác nhau tùy theo nơi khai thác, nguồn gốc địa lý và cách chế biến. Cho đến nay, sâm Triều Tiên (Cao Ly sâm) vẫn được coi là tốt hơn cả, trong đó hồng sâm (loại to nặng trên 37g, cắt bỏ rễ râu, chế biến sao tẩm với các phụ gia khác rồi đem chưng cách thủy, sấy khô và đóng vào hộp gỗ) là tuyệt vời nhất.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Khỏe 24 (nguồn: SKDS)
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 

Re: Nhân Sâm

Postby giamchua » 04 Apr 2010

Nhân sâm : ai uống , ai không?

Mỗi mùa xuân đến, mọi người chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu. Để cho mạnh khỏe sống lâu nhân sâm được coi là thần dược giúp cho con người cường tráng, trường thọ. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về loại thần dược rất gần gũi và còn nhiều bí ẩn này.

Nhận dạng vị “thần dược” nhân sâm

Nhìn thoáng qua, phần rễ của củ sâm trông tựa hình người nên người ta gọi là nhân sâm, có tên khoa học là Panax ginseng C.A.Mey. Trên thế giới có gần 70 chi với 850 loài sâm. Riêng chi Panax L. có hơn 10 loài. Ở Việt Nam có 21 chi với 96 loài. Nhân sâm được gọi với nhiều tên khác nhau như thần thảo, thổ tinh, địa tinh... dù với tên gì thì đều nói lên sự quý hiếm của giá trị nhân sâm.

Về vị trí của nhân sâm có nhiều tài liệu từ cổ đến nay còn chưa thống nhất, nhưng nói chung đều nhất trí: nhâm sâm có vị ngọt hơi đắng và có mùi thơm đặc trưng, vào các kinh tì, tế, tâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, phục mạch cố thoát, sinh tân, an thần, bổ tì, ích phế. Sách Bản kinh ghi nhận nhân sâm bổ ngũ tạng, an thần kinh chỉ kinh quý, trừ tà khí, minh mục, khai tâm ích chí và coi nhân sâm như là “vua” của các vị thuốc bổ.

Do cách bào chế khác nhau nên vị khí của nhân sâm khác nhau. Khi được làm chín kỹ gọi là hồng sâm có khí ôn. Khi sâm còn tươi sống, có khí hàn lương, bởi vậy cách sử dụng sâm cũng “thiên biến vạn hóa”. Hải Thượng Lãn Ông dùng sâm chín có tính ôn để bổ dương khí, dùng sâm sống có tính hàn để bổ âm.

Trong số 10 loài chi nhân sâm (Panax L.) có trên thế giới, ở Việt Nam có 3 loài mọc tự nhiên và 1 loài nhập về trồng. Sâm Việt Nam là loại sâm được phát hiện sau cùng nhất (1973), cho đến năm 1985 nó mới được công bố. Loại sâm này được phát hiện duy nhất ở vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kontum nên gọi là sâm Ngọc Linh. Ngọc Linh là ngọn núi cao thứ 2 ở Việt Nam, đỉnh cao nhất là Ngọc Linh có độ cao 2.598m so với mực nước biển.

Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm, có tác dụng kích thích hoạt động, tăng trí nhớ, tăng thể lực, giúp phục hồi các chức năng tạng phủ, làm tăng sức đề kháng, khả năng miễn dịch, tăng sự thích nghi của cơ thể với các yếu tố độc hại của môi trường.

Khả năng chống ung thư của nhân sâm

Ung thư với đặc điểm là tế bào ung thư tăng trưởng rất nhanh, xâm lấn và di căn ra khắp cơ thể. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy các tế bào ung thư sau khi được xử lý bằng Rh2 của hồng sâm thì sức sinh trưởng giảm đi rõ rệt. Tức là tính chất của Rh2 có thể ức chế tế bào ung thư phát triển hay giết chết chúng, làm cho diện tích tổ chức khối u ung thư được thu nhỏ hay biến mất. Do vậy có thể phối hợp với liệu pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị để diệt tế bào ung thư. Rh2 làm tăng bạch cầu và nâng cao khả năng miễn dịch.

Ginsinosid Rh2 là một thành phần đặc biệt trong hồng sâm, chỉ có hàm lượng 1/100.000 có nghĩa là từ 100 tấn hồng sâm chỉ thu hồi được 1kg Rh2.

Nhân sâm có tác dụng tạo máu

Nhân sâm rất hiệu nghiệm trong việc cải thiện thể chất khi bị suy nhược, tạo nên thể lực cường tráng đối với người già và người sau cơn bệnh bị suy nhược.

Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy nhiều phụ nữ, người già thiếu máu khi sử dụng các bài thuốc cổ truyền học bổ sung chất sắt không đạt hiệu quả, nhưng dùng nhân sâm thì tình trạng thiếu máu được cải thiện rõ rệt. Nhân sâm có tác dụng rõ rệt trong việc tăng số lượng hồng cầu và huyết sắc tố (hemoglobin). Nhân sâm không những làm tăng hồng cầu và huyết sắc tố mà còn tăng cả bạch cầu và tiểu cầu.

Bạch cầu và tiểu cầu tăng làm cho sức đề kháng cũng như phòng ngừa bệnh tật tốt hơn. Người tuy không mắc bệnh gì nhưng bị chứng thiếu máu sử dụng nhân sâm thì cũng rất tốt.

Nhân sâm được coi là thuốc cường tinh

Nghĩa là làm cho hiện trạng dinh dưỡng toàn thân được đầy đủ, hoạt huyết, chức năng tinh hoàn được nâng cao, khắc phục được tình trạng liệt dương, di tinh, không xuất tinh. Tuy nhiên, có một số người kỳ vọng lại dùng nhân sâm sẽ có hiệu quả như là một thứ thuốc kích dục. Thực ra nhân sâm không có tác dụng đó. Tác dụng cường tinh của nhân sâm là do các hoạt chất trong nhân sâm làm tăng cường sự bài tiết các hormon.

Nhân sâm phòng ngừa nhiều loại bệnh tật

Đặc điểm độc đáo của nhân sâm là có tác dụng phòng ngừa bệnh tật. Huyết khối (thrombin) là cục máu đông do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhân sâm có tác dụng phòng ngừa huyết khối rất tốt.

Hãy cẩn trọng khi dùng nhân sâm

Nhân sâm là “thần dược”, chữa được bách bệnh nhưng khi dùng phải cẩn trọng, nếu không nhân sâm sẽ trở thành “độc dược”, thậm chí có thể làm chết người. Chả vậy mà người xưa có dặn: “Phúc thống, phục nhân sâm tắc tử” (Người đau bụng cho uống nhân sâm có thể chết).

Khi dùng nhân sâm cần lưu ý:

- Người có bệnh thực nhiệt và thấp nhiệt không nên dùng.

- Khi dùng nhân sâm phải bỏ phần hư đi vì nó dễ gây nôn mửa.

- Không dùng đồ sắt để cắt, nấu nhân sâm.

- Suyễn khạc ho do khí ủng trệ, đờm thực nhiều không dung.

- Các chứng đau do thực (đau bụng cứng, sờ vào đau thêm) không dùng.

- Khi phối hợp với các vị khác phải tránh dùng với lê lô (tương phản là phản lại nhau), ngũ linh chi (tương úy tức là sợ nhau), bồ kết (tương ố tức là ghét nhau) sẽ có hại.


Lương y Vũ Quốc Trung (SKDS)
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng giamchua từ: christiane

Re: Nhân Sâm

Postby giamchua » 04 Apr 2010

Phân biệt nhân sâm thật,giả thế nào?

Nhân sâm là loại thuốc có tác dụng đại bổ nguyên khí, bổ tỳ, ích phế, sinh tân, chỉ khát, an thần, tăng trí. Chủ trị các chứng hư dục thoát, mạch vi dục tuyệt, tỳ khí, phế khí hư nhược, tân dịch tổn thương, chứng tiêu khát, khí huyết hư nhược, thần chí rối loạn, dương nuy (liệt dương). Là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách “Bản Kinh”.

Trong Đông y, duy nhất chỉ mỗi nhân sâm là có khả năng hình thành phương thuốc độc vị, vì nó có rất nhiều tác dụng dược lý thật tuyệt vời.

Cũng chính vì vậy mà giá cả cao hơn hẳn các vị thuốc khác, khiến nhiều người hám lời với lợi nhuận cao đã làm giả nhân sâm để tiêu thụ trên thị trường. Muốn phân biệt chính xác được nhân sâm thật hay là nhân sâm giả chúng ta cần nắm những đặc điểm cơ bản của các loại nhân sâm thật đã được chế biến hiện có mặt trên thị trường thuốc, kết hợp nắm các đặc điểm cơ bản của các loại nhân sâm làm giả sẽ nêu dưới đây, hy vọng với những nội dung cụ thể này giúp mọi người có thể nhận biết được hàng thật hay giả.

Nhân sâm có những loại nào?

Nhân sâm có hai loại là nhân sâm rừng và nhân sâm vườn. Nhân sâm được bào chế thành các loại như sâm phơi sống (thường là bạch sâm, chính là nhân sâm tươi rửa sạch phơi khô).

Loại hồng sâm (còn gọi là thạch trụ sâm, tức là nhân sâm bỏ rễ, râu rồi sấy khô lên mà thành).

Đại lực sâm (là loại nhân sâm chần qua nước sôi một lát). Loại đường sâm (là loại nhân sâm được ngâm tẩm trong nước đường đặc).

Loại cáp bì sâm (là nhân sâm trước tiên ngâm trong nước sôi, sau lại được ngâm trong nước đường loãng).

Còn nhân sâm tu (râu nhân sâm), tức là rễ, râu nhân sâm nhưng cũng có 2 loại là râu nhân sâm phơi sống và râu hồng sâm.

Ngoài ra còn các loại như sâm cao ly, là loại nhân sâm được sản xuất tại Triều Tiên nên còn gọi là nhân sâm Triều Tiên. Hoặc biệt trực sâm là loại nhân sâm của Triều Tiên gia công thành hồng sâm.

Đặc điểm của từng loại nhân sâm

Sâm rừng là loại sâm mọc hoang có số lượng ít (nhưng tốt hơn hẳn sâm trồng) và có niên hạn sinh trưởng tương đối dài, chất lượng tốt. Rễ của nhân sâm rừng thường ngắn thô, chỉ dài bằng hoặc ngắn hơn thân củ sâm một chút. Phần nhiều có 2 nhánh rễ chính tạo thành dạng hình người. Đầu trên của sâm có đường vằn ngang nhỏ và sâu. Thân rễ nhỏ dài khoảng từ 3 – 9cm, phần trên uốn khúc gồ ghề nên quen gọi là “rễ cổ nhọn”. Bát rễ dày đặc, phía dưới không có mắt rễ và khá trơn bóng nên thường gọi là rễ tròn. Rễ râu thưa thớt, dài gấp khoảng 1 – 2 lần rễ chính và dai, khó bẻ gãy, lại có nốt sần nổi lên rất rõ nên gọi là hạt trân châu.

Biệt trực sâm: Sau khi đun hấp, gia công chế biến thành thân thẳng hình lập phương. Phía rễ có 1 đầu râu rễ, đuôi rễ phần nhiều là bỏ đi. Toàn bộ có màu nâu hồng, trong mờ, chất nặng, từng chiếc khá to, chất lượng tốt.

Hồng sâm thì toàn bộ có màu nâu hồng, trong mờ, giống chất sừng.

Đường sâm toàn bộ có màu trắng ngà, rễ chính hình trụ, mập và ngắn, phần đỉnh có thân rễ dài nhỏ, phía trên nó có các chỗ lõm hình xoáy trôn ốc đan xen vào nhau, tuổi đời càng lâu thì thân rễ càng dài. Bên cạnh thân rễ thường mọc ra 1 hoặc vài sợi rễ. Đầu trên rễ chính có vằn dày, phía dưới thường phân nhánh. Mặt cắt ngang có màu nâu trắng ngà, có vằn hình tia.

Cách phân biệt với nhân sâm giả

Giả từ đậu đũa dại: Thường thấy có hình trụ, hình thoi hay hình nón, ít nhánh, dài tới hơn 20cm, đường kính khoảng 0,5 – 1,5 cm, bên ngoài có màu nâu đỏ, trong mờ, lông mềm trắng, nhỏ. Không có đầu rễ, để lại vết rễ phần đuôi tương đối nhỏ, chất cứng và giòn, nên dễ bẻ gãy. Mặt cắt phẳng không bóng, có nốt chấm nhỏ màu vàng nhạt và có mùi tanh của đậu.

Giả từ loại sâm đất: Có hình nón hoặc hình thoi, phân ra nhiều nhánh dài khoảng 15 – 20cm. Đầu đỉnh là gốc sót lại của rễ. Khi chưa gia công, bề mặt có màu đen nâu, thô ráp nhiều vằn. Sau khi đã gia công bề mặt có vằn rúm màu vàng nâu, thô ráp, chất giòn nên dễ bẻ gãy, mặt có vằn tía, có chất keo, trong mờ, vị ngọt.

Làm giả từ thương lục: Sâm giả có hình trụ, đầu trên khá ráp, xuống dưới nhỏ dần. Dài khoảng 20cm, mặt ngoài có màu nâu vàng, hoặc màu nâu đen. Đỉnh rễ có gốc sót, chất dai dẻo, khó bẻ gãy. Mặt cắt có màu nâu vàng, đến màu nâu đen, không phẳng, có mùi tanh, vị đắng và cay chua.

Giả từ sơn oa cự: Rễ chính có hình nón và hơi dẹt, dài khoảng 15cm, đầu rễ phình to, mọc 3 – 5 sợi rễ nhánh, hình dạng giống như rễ chính. Bề mặt có màu trắng vàng nhạt hoặc màu vàng nhạt, hơi nhẵn bóng, còn lại vết tích của râu rễ, vị hơi đắng.

Giả từ hoa sơn sâm: Nếu chưa gia công rễ có hình tròn dài, hơi cong hoặc thót dần xuống dưới, dài khoảng 9 – 14cm. Bên ngoài có màu nâu nhạt. Phần trên của rễ là thân rễ có rất nhiều nốt sần nổi lên. Sau khi gia công có 3 loại là màu vàng, màu nâu tro hơi trong hay màu nâu. Chất cứng, dễ gãy, vị ngọt, hơi đắng chát.

Như vậy, có 5 loại thường được làm giả bằng những thứ như vừa mô tả ở trên, ta dựa vào những đặc điểm của sâm thật, sau đó đối chiếu với những đặc điểm của sâm giả để chọn lựa không bị nhầm lẫn.

BS. Hoàng Xuân Đại (SKDS)
Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên
User avatar
giamchua
Nhựa Mít
Nhựa Mít
 
Tiền: $54,936
Posts: 4256
Joined: 09 Apr 2006
Location: Vườn Nho Xứ Lạnh
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng giamchua từ: christiane, lonelyheart


Return to Vườn Thuốc Thiên Nhiên



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 37 guests