Những Kỷ Niệm Trong Tù Với Chưởng Môn Việt Võ Đạo (Vo Vi Nam

Những tin tức hay, lạ, vui, và hữu ích cho đời sống.
Xin đừng tranh luận về chính trị, tôn giáo, sắc tộc ...

Moderator: A Mít

Những Kỷ Niệm Trong Tù Với Chưởng Môn Việt Võ Ðạo (Vo Vi Nam

Postby mvt5 » 29 Oct 2010

Image Image

Tôi biết Võ sư Lê Sáng Chưởng môn phái Việt Võ Đạo tức Vo Vi Nam từ lúc còn
mới chập chững bước vào nghiệp báo bổ qua lời giới thiệu của một môn sinh
của ông lúc đó mới mang chuẩn Hồng đai Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ. Sau đó có một
vài lần đến võ đường của Vovinam gần nơi tôi làm việc để xem Quỳnh Kỳ dạy võ
cho các môn đệ của anh và đến tổ đường Vovinam ở 31 đường Sư Vạn Hạnh để xem
Quỳnh Kỳ học võ với võ sư Chưởng môn Lê Sáng. Rồi sau đó, miệt mài với nghề
nghiệp, với chiến trường nên tôi không còn hình ảnh nào với môn phái này nữa
suốt trong thời gian chiến tranh.
Cho mãi đến năm 1976, khi tôi từ biệt giam ở nhà tù Chí Hòa ra ngồi tù ở
phòng tập thể số 14 khu ED thì gặp lại võ sư Lê Sáng. Khoảng thời gian này,
buồng giam 14 khu ED là một buồng giam có nhiều điểm đặc biệt về tù nhân.
Chẳng hạn như trong số hơn 60 tù nhân, có cựu Thủ Tướng VNCH Phan Huy Quát
và con trai là Phan Huy Anh, Phó Đại sứ Nam Hàn tại VNCH (rất tiếc tôi đã
quên mất tên vị này), linh mục Trần Hữu Thanh (người cầm đầu phong trào tố
cáo tham nhũng), Võ sư Suzuki một người Nhật nhưng quốc tịch Việt Nam chuyên
dạy môn karate cho cảnh sát quốc gia và quân đội VNCH, Chủ tịch Dân Xã Đảng
Phan Bá Cầm, cụ Nguyễn Phan tổng giám đốc công ty bột giặt NET, Lưu Nhật
Thăng, một chủ báo Hoa ngữ ở Chợ Lớn từng là thư ký của Kim Dung, nhà văn
chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng ở Hong Kong, ông Tám Mộng người
được nói là cầm đầu một trong những lực lượng vũ trang của Phật Giáo Hòa
Hảo, ông Nguyễn Thế Thông giáo sư Anh văn rất nổi tiếng của Saigon vào thời
đó. Năm 1976, ghẻ bắt đầu hoành hành tại khắp các khu ở nhà tù Chí Hòa và
riêng buồng 14 khu ED. Ghẻ kềnh ghẻ càng, ghẻ khủng khiếp. Ghẻ làm da hư hại
nặng có thể gây tử vong, và một trong những nạn nhân đầu tiên của dịch ghẻ
là cựu Thủ tướng Căm Bốt Sơn Ngọc Thành.
Trong buồng giam chỉ có võ sư Lê Sáng là coi như bị nhẹ nhất chỉ ở kẽ ngón
chân và ngón tay. Có lẽ thấy ông còn mạnh và quắc thước nên ghẻ có vẻ kiêng
nể? Vì phòng chật và nóng như lò than nên ban đêm Lưu Nhật Thăng thường dựa
vào tường ngủ đứng, còn võ sư Lê Sáng thì ngồi tập và điều tức rất kín đáo
tại chiếu nằm của mình. Ông tránh để vệ binh canh gác phòng giam nhìn thấy
ông tập, bởi vì vào thời đó, nếu bọn công an trại giam biết ai có võ chúng
sẽ gây phiền hà vô cùng. Ông ít nói chuyện, hay ngồi trầm ngâm với chiếc
điều cầy. Nhưng với đám tù chính trị còn thanh niên như chúng tôi thì ông
không ngại gì khi giảng giải về phái võ mà ông là Chưởng môn. Võ sư Lê Sáng
không bao giờ đề cập đến quyền cước của môn phái mà ông chỉ nhấn mạnh đến
tinh thần của nó. Ông nói nhiều đến điều gọi là “cách mạng tâm thân” để giữ
vững tinh thần anh em chúng tôi và để hướng về tương lai. Võ sư thường nhấn
mạnh: “Ở trong tù, đói khát như thế này thì làm sao gia đình thỏa mãn nhu
cầu cho chúng ta được. Phải biết sống về tinh thần. Thực phẩm chỉ là phụ
đệm”.
Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng nói thì dễ nhưng làm rất khó. Nhưng nhìn dáng
dấp ông lúc nào cũng vững chãi, đường bệ, với hàm râu dài, nụ cười rất tươi,
đôi mắt sáng quắc, ăn nói không thừa, không thiếu, giọng nói mạnh, sang sảng
nhưng ôn tồn, lịch sự ngay cả khi trả lời những câu hỏi rất thiếu giáo dục
của bọn cán bộ trại giam, chúng tôi vững tin ở cách rèn luyện tinh thần mà
ông thường chỉ dạy cho anh em trẻ chúng tôi. Võ sư Lê Sáng là người rất uyên
bác về thơ đường. Có nhiều buổi tối ông ngâm thơ Đường cho chúng tôi nghe,
nhưng anh em thích nhất là khi ông ngâm bài “Hồ Trường”. Nhiều anh em đã
không tránh được ngậm ngùi mỗi lần nghe ông ngâm bài thơ này. Ông cũng ít kể
chuyện, nhưng khi nghe ông kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung hay kể về bộ Tam
Quốc Chí, anh em trong buồng giam theo dõi một cách hào hứng, có thể quên
đói và quên hẳn cảnh tù đầy.
Sống trong môi trường bị giam hãm như vậy, mỗi hành động của những tù nhân
nổi tiếng trong buồng giam 14 khu ED đều bị chú ý. Chẳng hạn như cứ vào mỗi
buổi sáng, vị phó đại sứ Nam Hàn sửa lại bộ quần áo tù cho chỉnh tề rồi ông
bước lại chiếu nằm của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát bắt tay vị cựu thủ tướng
VNCH, cúi gập đầu xuống để chào và sau đó hai người mới thăm hỏi sức khỏe
của nhau. Võ sư Lê Sáng nói với chúng tôi: “May ra mà trong cảnh nhiễu
nhương hỗn tạp, giậu đổ bìm leo này, trong buồng giam còn có được những hình
ảnh đẹp đẽ của nền văn minh”.
Khi chúng tôi bị chuyển lên trại Hàm Tân Z-30C vào những tháng đầu của năm
1977, đám vệ binh giải giao thường dùng dây xích để xiềng cứ 5 người một rồi
khóa vào chân ghế ngồi trên những chiếc xe đò. “Xâu” đầu tiên được đưa lên
xe gồm những người mà tôi còn nhớ rõ, đó là Võ sư Lê Sáng, ông Phan Bá Cầm,
nhà báo Lâm Tường Dũ, Đoàn Bá Phụ (cựu trung úy Nhảy Dù) và tôi. Lên đến
trại Hàm Tân, chúng tôi và Võ sư Lê Sáng vẫn được phân phối vào một trại lao
động. Sau khi ở Hàm Tân Z-30C được vài tháng thì võ sư Lê Sáng bị dẫn vào
nhà kỷ luật và bị cùm lần thứ nhất trong đời tù chỉ vì ông có bộ râu dài.
Viên cán bộ an ninh trại lúc đó là thượng úy Tý nói với ông: “Các anh nên
nhớ nhé, chỉ có bác mới được để râu”. Ông ta cho gọi thợ hớt tóc (cũng là
mấy anh em tù cải tạo) đến. Võ sư Lê Sáng ôn tồn: “Cán bộ muốn cạo thì xin
cứ thi hành, nhưng tôi không vi phạm nội qui của trại, cán bộ nên nhớ như
thế nhé”. Ông đứng im lặng như một gốc cây, mắt sáng quắc nhìn thẳng vào mặt
Tý. Nhưng khi thợ hớt tóc vừa đến gần ông thì Tý gọi giật lại: “Thôi. Cứ để
cho anh ấy để râu nhưng đem cùm xem có chịu cạo râu không”. Võ sư Lê Sáng bị
cùm hai tuần lễ nhưng kể từ sau đó không ai trong bọn cán bộ trại giam còn
để ý gì đến râu tóc của võ sư Lê Sáng nữa.
Khó khăn thứ hai của Chưởng môn Việt võ đạo là do chính tiếng tăm của ông.
Không hiểu bọn cán bộ “súng dài” tức công an vũ trang chuyên canh gác tù ở
các bãi lao động bàn tán với nhau như thế nào mà không một tên nào dám đi
gần ông. Tại bãi lao động, một tù cải tạo phải đứng cách xa vệ binh 5 thước
khi phải báo cáo xin đi tiểu tiện, nhưng riêng võ sư Lê Sáng phải đứng cách
vệ binh 10 thước. Biết được điều đó nên võ sư Lê Sáng rất thận trọng trong
đi đứng tại bãi lao động để tránh hiểu lầm. Một lần buổi sáng tập họp trước
cộng trại giam để xuất trại đi lao động, võ sư Lê Sáng bị kêu ở lại trại để
“làm việc” (khai cung). Buổi trưa khi lao động về, chúng tôi túm lại hỏi ông
xem có chuyện gì, nhưng ông chỉ cười và nói: “Chẳng có chuyện gì cả. Vài học
trò cũ của tôi từ Bắc vào thăm”.
Sau này, trong những lúc ngồi nói chuyện riêng tư vào những ngày nghỉ lao
động, võ sư Lê Sáng cho biết là Hà Nội nghe tiếng ông, muốn vào thăm ông và
cho người thử thách, nhưng ông từ chối vì, theo lời ông, “tôi học võ để rèn
luyện tinh thần, không phải là để thi đấu, tôi là chưởng môn mà còn đi dương
danh là một lỗi lầm với môn phái, tôi không làm điều ấy”. Chúng tôi ở với
nhau ở Hàm Tân Z-30C đến năm 1979 thì bị chuyển trại theo phương án 4 tức là
sẽ là “tù cải tạo muôn năm”. Chúng tôi được lọc lựa ra và đưa vào danh sách
“chết” tức là danh sách của những tù cải tạo không thể cải tạo được, và
không bao giờ được xét tha theo quan điểm của công an trại giam. Thế là đang
đêm chúng tôi lại bị gọi tên, bị xiềng đưa lên xe đò và đưa lên A-20 Xuân
Phước, trại mà Bộ Công An gọi là trại trừng giới.
Tôi đã viết khá nhiều điều về trại này, nên ở đây tôi chỉ nói đến hoàn cảnh
của Chưởng môn Việt võ đạo khi bị đưa đến cái trại nổi tiếng khủng khiếp này
trong suốt giai đoạn I, từ 1980 cho đến cuối 1988. Đến A-20 được 3 tháng thì
Chưởng môn Vovinam Lê Sáng vào cùm ngay. Lần vào cùm này không do bất cứ một
lỗi lầm về nội qui của võ sư Lê Sáng mà chỉ vì ông được sự kính nể và quí
mến của anh em trong trại từ tập trung cải tạo, tù chính trị có án hay tù
hình sự, ở cách ông cư xử và chia sẻ đói khổ với anh em, ở tinh thần vững
chãi để đối phó với mọi hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn trong tù ngay cả những
lúc bị ép cung, ông cũng không hé ra một lời nào có thể xâm hại đến người
khác.
Mục tiêu của một trại tù kiểu A-20 là dùng mọi biện pháp để đập tan những
đối kháng của tù cải tạo kể cả biện pháp: kỷ luật khắt khe, cho ăn thật đói,
làm việc thật nặng, ốm đau không có thuốc, giá thấp nhất của biện pháp kỷ
luật là từ 1 năm đến 5 năm cùm, gia đình thăm gặp rất khó khăn nên phải gởi
tiếp tế cho tù cải tạo qua đường bưu điện. Trong bối cảnh này, bọn an ninh
trại giam nhắm vào việc triệt hạ những thần tượng của tù cải tạo. Cũng chỉ
vì thế mà Chưởng môn Việt võ đạo Lê Sáng vào cùm hết một năm. Khi ra khỏi
nhà kỷ luật, sức khỏe của cụ Sáng có sa sút, nhưng giọng nói vẫn sang sảng
và đôi mắt vẫn sáng quắc. Ra khỏi nhà kỷ luật hôm trước thì hôm sau ông đi
lao động ngay. Võ sư Lê Sáng nói: “Ra ngoài cho khỏe”. Quả thật sức khỏe của
võ sư Chưởng môn Vovinam phục hồi rất nhanh. Ông nói: “Vì khí trời”. Khi võ
sư Lê Sáng về tiếp tục sinh hoạt ở đội lao động được vài tuần lễ thì tôi
cùng một số bạn khác vào nằm cùm mãi cho đến năm 1985 mới gặp lại võ sư Lê
Sáng tại phân trại B của A-20 để chuẩn bị chuyển trại. Thấy sức khỏe của tôi
“xuống” quá, ông khuyên: “Tôi thấy anh cần giữ sức khỏe. Chúng ta phải sống
để trở về mới còn có ích cho đời”.
Trước Noel 1985, chúng tôi chuyển trại về Z-30A nằm trong phương án đặc biệt
mà Hà Nội đã thỏa thuận với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đó là thỏa thuận về chương
trình HO. Võ sư chưởng môn Việt Võ Đạo Lê Sáng được thả tại Z-30A, trước
thời gian tôi cũng như một số anh em khác từng làm tờ Hợp Đoàn, tờ báo chui
ở A-20 bị “điệu” về trại Phan Đăng Lưu để chờ ngày ra tòa. Nhưng cuối cùng,
vụ án được hủy bỏ và chúng tôi được đưa trở lại Z-30A tiếp tục nằm trong nhà
kỷ luật. Khoảng cuối năm 1987, tôi nhận được một tin nhắn từ ngoài vào: “Bố
Sáng nói phải giữ sức khỏe để trở về mới có ích cho đời”. Tôi hiểu lời nhắc
nhở này và còn giữ cho tới bây giờ.
Năm 1988, tôi được thả về và ít lâu sau có đến tổ đường của Vovinam trên
đường Sư Vạn Hạnh để thăm võ sư Chưởng môn. Lúc này tổ đường Vovinam đã được
củng cố. Các môn sinh người ngoại quốc từ Âu châu và các môn sinh Vovinam từ
khắp Việt Nam đã lục tục kéo về để ra bái lậy Chưởng môn. Trong câu chuyện
thăm hỏi tôi, ông cứ nhắc mãi đến “cách mạng tâm thân” và tính nhân bản của
Việt võ đạo. Ông tiếc cho tuổi trẻ của chúng tôi, nhưng ông không hề tỏ ra
ân hận hay oán trách những gì mà những người thắng trận đã ngược đãi những
người Việt Nam yêu nước chỉ vì họ ở trong một chế độ chính trị khác. Võ sư
Chưởng môn Vovinam nhấn mạnh: “*Lịch sử Việt Nam trong giai đoạn vừa qua rồi
sẽ phải được viết lại một cách đàng hoàng hơn*”.
Bây giờ, cụ Lê Sáng đã ra người thiên cổ. Cụ thọ 91 tuổi. Trong bức hình
chụp Võ sư Lê Sáng mà các bạn ở Việt Nam gởi cho, tôi thấy đôi mắt võ sư
Chưởng môn Việt võ đạo vẫn sáng quắc như ngày nào.
Tôi viết những kỷ niệm trên với Võ sư Chưởng môn Việt võ đạo trong thời tù
để gọi là đại diện cho một số anh em cựu tù của trại Hàm Tân Z-30C, A-20 và
Z-30A bái vọng cố quốc để tiễn đưa cố võ sư Chưởng môn và đồng thời là một
người bạn tù đáng kính trọng từng chia sẻ với anh em chúng tôi những năm
tháng đen tối của lịch sử Việt Nam. Bởi trong những đêm tối ấy, ông vẫn như
ngọn đèn sáng dẫn dắt tinh thần anh em chúng tôi. Cố võ sư Chưởng môn là một
người cả đời hy sinh cho Việt võ đạo và đây cũng là lý do ông cụ không bao
giờ lập gia đình. Tuy nhiên, cụ rất nhiều con tinh thần vì trong tù chúng
tôi đều gọi Võ sư Chưởng môn Vovinam là bố, “Bố Lê Sáng”. Vả lại ngày nay,
trên khắp thế giới, hàng chục ngàn môn sinh Vovinam cũng đang thổn thức vì
những mất mát không có gì bù đắp được cho môn phái vì sự khuất bóng của Võ
sư Chưởng môn.
*Vũ Ánh
User avatar
mvt5
Múi Mít
Múi Mít
 
Tiền: $47,119
Posts: 358
Joined: 05 Oct 2005
Location: Tổ Rồng Bự
 
 
Món quà tinh thần gởi tặng mvt5 từ: mitnghe08, tommyact74, haba, Angelmax

Return to Kiến Thức Đó Đây



Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 9 guests